Ngày 29/03/2012, đã diễn ra hội thảo tiềm năng và giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng và nước trong ngành khách sạn do Tổng cục Du lịch phối hợp cùng MEET – BIS Việt Nam và chương trình Switch – Asia của Ủy ban Châu Âu đồng tổ chức tại tòa nhà Ocean Park, Hà Nội.
Nước là tài nguyên vô cùng quý giá bởi nước khởi nguồn và duy trì sự sống của con người và của tất cả các sinh vật sống trên Trái Đất nhưng nước ngọt chỉ chiếm 3%, còn lại hơn 90% lượng nước trên Trái Đất là nước biển.
TS. Đào Trọng Tứ, đại diện Việt Nam tại Ban Điều hành Mạng lưới cộng tác vì nước toàn cầu khu vực Đông Nam Á, đã chỉ ra những thách thức lớn đối với nguồn nước ở Việt Nam như: Nguồn nước nước ta phụ thuộc lớn từ nguồn nước của các quốc gia láng giềng; Sự phát triển ồ ạt của các công trình thủy điện trên tất cả các hệ thống sông tác động xấu đến môi trường, đời sống; Sự suy thoái và cạn kiệt nguồn nước do phát triển không bền vững, đô thị hóa, gia tăng dân số; Năng lực quản lý yếu kém; Ý thức cộng đồng; Biến đổi khí hậu… tạo ra một sức ép lớn đến việc duy trì nguồn nước tự nhiên. Ông cho rằng, nếu không cải thiện cách nhìn về nguồn tài nguyên này ngay bây giờ thì không lâu nữa xã hội sẽ phải đối mặt với “khủng hoảng nguồn nước” và “chiến tranh nước sạch” rồi cũng diễn ra.
Thực trạng các cơ sở lưu trú ở Việt Nam đa phần có quy mô vừa và nhỏ, tính chuyên nghiệp trong phục vụ thấp, nhận thức của nguồn nhân lực về vấn đề bảo vệ môi trường chưa cao, nhân lực trong ngành vừa yếu và vừa thiếu, việc tiêu thụ tài nguyên chưa hiệu quả… điều đó làm cho sức cạnh tranh thấp.
Phát triển du lịch bền vững đi đôi với việc bảo vệ môi trường. Các khách sạn muốn phát triển bền vững, muốn có sức cạnh tranh trên thị trường thì việc thiết kế một khách sạn xanh, một khách sạn thân thiện với môi trường là một vấn đề cấp thiết, bởi khách du lịch ngày nay có xu hướng tiêu dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường, sức khỏe, an toàn và Du lịch có trách nhiệm.
Có nhiều cách thức để vận hành khách sạn theo hướng thân thiện với môi trường. Tại các phòng nghỉ, nhà hàng, phòng hội thảo, phòng chức năng, quầy bar, nhà bếp, nhà giặt là… đều có thể tiết kiệm nguồn năng lượng thông qua điều hòa không khí, đun nước nóng, thang máy, thiết bị giặt là, hồ bơi, thiết bị phòng nghỉ… bằng cách sử dụng ánh sáng tự nhiên, đèn năng lượng mặt trời, pin mặt trời, bình nước nóng mặt trời, sử dụng hợp lý hệ thống điều hòa không khí – cứ tăng 6ºC sẽ tiết kiệm 40% năng lượng – hay sử dụng biến tần, bơm nhiệt… đều có thể giảm đi một lượng lớn năng lượng tiêu thụ.
Trong buổi hội thảo này, bà Nguyễn Thanh Bình,Trưởng phòng Quản lý dịch vụ - Vụ Khách sạn cũng đã chỉ ra ý nghĩa, tính cấp thiết của việc áp dụng tiêu chuẩn Nhãn Bông sen xanh tại các khách sạn. Đó là trách nhiệm đối với môi trường, đối với sự phát triển bền vững Du lịch Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống lưu trú du lịch tại Việt Nam, thúc đẩy hội nhập, tăng cường tiêu chuẩn hóa…
Việc xây dựng cơ sở lưu trú, cung cấp các dịch vụ của khách sạn tạo ra cho môi trường một lượng lớn rác thải, khí thải, nước thải, tiếng ồn… Nhưng ở nước ta, do quy mô của các khách sạn chủ yếu là nhỏ và vừa nên mới chỉ chú trọng tới kinh tế, lợi nhuận; hay do hạn chế về ý thức và kiến thức của nhân viên và cấp quản lý và cũng do chưa có chế tài cụ thể đối với hành vi vi phạm, xâm phạm môi trường nên việc quan tâm tới việc bảo vệ môi trường còn rất hạn chế. Hội thảo đã mở ra một tầm nhìn mới cho các nhà quản lý khách sạn về mô hình khách sạn xanh, kinh tế và có sức cạnh tranh lớn trong thời kì hội nhập.
Bài: Huơng Lê - Ảnh: Đức Hùng