Giải pháp nào để xử lý ô nhiễm bền vững cho hồ Xuân Hương - Lâm Đồng?

Cập nhật: 10/04/2012
“Trái tim Đà Lạt”- đó là một trong những “tụng danh” mà người dân Đà Lạt bao đời nay cũng như hàng triệu du khách đến xứ sở sương mù này tặng cho hồ Xuân Hương.

Nằm ngay trung tâm Đà Lạt, hồ Xuân Hương không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm trách vai trò là tâm điểm, là nốt nhấn cốt lõi cho không gian xanh của toàn bộ cảnh quan Đà Lạt, là hồ sinh thái góp phần đặc biệt cho khí hậu Đà Lạt… mà còn là địa danh đã đi vào trong văn hóa, trong tiềm thức của cư dân Đà Lạt và cả những ai dù chỉ một lần đến Đà Lạt. Thế nhưng những năm gần đây, hồ Xuân Hương thường bị ô nhiễm đến mức báo động, có những thời điểm khi đi ngang qua hồ người ta phải “nín thở”. Chính quyền Đà Lạt cũng như tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực trong việc giữ sự trong sạch cho hồ. Song cho đến nay, giải pháp xử lý hữu hiệu để hồ Xuân Hương không còn tái diễn ô nhiễm vẫn còn để ngỏ.

 

* Ô nhiễm vẫn tái diễn

Khác với những hồ khác, hồ Xuân Hương chỉ ô nhiễm “theo mùa” thế nhưng vì “vị trí nhạy cảm” của hồ mà ảnh hưởng của sự ô nhiễm không nhỏ. Đối tượng trực tiếp gây ô nhiễm là do tảo nở hoa và tình trạng phú dưỡng trong nước (nước có quá nhiều chất hữu cơ và  lượng chất hữu cơ trong nước vượt mức cho phép quá cao). Khi ô nhiễm, đứng trên bờ nhìn xuống người ta thấy nước hồ Xuân Hương dường như “đặc sánh” lại, nước bốc mùi hôi thối  rất khó chịu, cá chết nhiều. Ngoài ra ô nhiễm, ở đây vào mùa mưa còn là rác thải các loại (rác sản xuất nông nghiệp, rác sinh hoạt…) tràn qua các hồ lắng trôi vào hồ Xuân Hương.

Qua khảo sát, nghiên cứu… của địa phương cũng như của nhiều cơ quan chuyên môn về môi trường ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… thì “thủ phạm” chính gây nên ô nhiễm hồ Xuân Hương là một lượng nước rất lớn chảy về hồ từ lưu vực hơn 2.800 ha đầu nguồn, trong đó phần lớn diện tích của lưu vực này đang sản xuất nông nghiệp (trồng rau, hoa…) nên nguồn nước này có đủ các yếu tố cùng gây ô nhiễm như: phế phẩm rau, hoa, thuốc bảo vệ thực vật, các loại phân bón… Cùng đó lượng nước thải trong sinh hoạt – nhất là nước hệ thống hầm vệ sinh có hàm lượng chất hữu cơ, chất dinh dưỡng rất cao, nước của một số cơ sở giết mổ; ngoài ra “nguồn ô nhiễm dinh dưỡng và thuốc bảo vệ thực vật có thế rất lớn từ hoạt động tưới cỏ của sân Golf Đồi Cù”.  Theo Ths Hoàng Khánh Hà – Viện Kỹ thuật nhiệt đới và môi trường thì còn có một nguyên nhân nữa đó là “thủy vực không ổn định, hệ thủy sinh bị xáo trộn do tháo cạn nước, nạo vét hồ và tiếp nhận nguồn nước mới có độ nhiễm bẩn nặng cũng là điều kiện dễ bùng nổ tảo” dẫn đến phát sinh thêm ô nhiễm.

Để “cấp cứu” hồ khi ô nhiễm, UBND thành phố Đà Lạt, thậm chí là lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần rất quyết liệt trong việc xử lý. Những giải pháp thủ công như dùng thuyền vớt rác, giăng lưới gom tảo  chết trên mặt hồ, đến giải pháp sinh học như thả cá mè để cá “dọn các loài thủ sinh ô nhiễm” và cả thí điểm lọc nguồn nước vào hồ… đều đã được thực hiện, song hiệu quả đạt được không như mong muốn.

 

* Đâu là giải pháp bền vững?

Với mong muốn giải quyết triệt để nạn ô nhiễm hồ Xuân Hương, chính quyền và các cơ quan chức năng của Đà Lạt cũng như Lâm Đồng đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, đầu tư nhiều cho công tác nghiên cứu. Có khá nhiều đề tài đã được nghiên cứu, tiêu biểu như đề tài “Điều tra ô nhiễm nước hồ Xuân Hương, đề xuất các giải pháp khắc phục” do Viện Nghiên cứu hạt nhân thực hiện năm 2005; đề tài “Hiện tượng tảo nở hoa trong các thủy vực của thành phố Đà Lạt, ảnh hưởng của nó đến chất lượng nước và biện pháp xử lý” do Trường Đại học Đà Lạt thực hiện năm 2007; dự án thí điểm xử lý nước hồ Đội Có (hồ lắng của hồ Xuân Hương;, dự án “ Nghiên cứu một số biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp vùng thượng lưu hồ Xuân Hương”… cũng đã được triển khai. Đầu tuần qua, nhiều Viện nghiên cứu, trường đại học, công ty chuyên về xử lý môi trường… ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… và cả chuyên gia ở Hoa Kỳ cũng được mời đưa ra những phương án xử lý ô nhiễm hồ Xuân Hương.

Nguyên nhân gây ô nhiễm đã được xác định rõ. Vấn đề còn lại là chọn giải pháp nào để có thể giải quyết “tận gốc” nạn ô nhiễm và đảm bảo không tái ô nhiễm. Rất nhiều phương án được đưa ra, nhưng các phương án này đều có những “khiếm khuyết” và thiên về dựa vào “lợi thế” của chủ thể đưa ra phương án. Từ thực tế ô nhiễm những năm qua và các giải pháp được tranh luận cho thấy, muốn hồ Xuân Hương không bị tái ô nhiễm thì nên xử lý tổng thể từ gốc các nguồn gây ô nhiễm, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến công  tác quy hoạch và tạo hệ sinh thái có lợi.

Quy hoạch ở đây là điều chỉnh lại diện tích sản xuất nông nghiệp ở khu vực thượng lưu của hồ gắn với việc phân dòng chảy của lưu vực. Không nên để toàn bộ nước của thượng lưu hồ đồng loạt ùa về hồ khi có mưa và chảy với cường độ lớn; đảm bảo mặt đệm tự nhiên để giữ nước khu vực thượng lưu. Cùng với đó là hạn chế đến mức tối đa dòng chảy của nước thải sinh hoạt vào hồ bằng việc chia dòng sang các tuyến khác, đấu nối thêm nhiều vào hệ thống xử lý nước thải tập trung đã được Đà Lạt xây dựng vài năm trước. Đồng thời phải quản lý chặt nguồn nước thải, nước mưa từ sân golf Đồi Cù đổ xuống hồ. Việc đều chỉnh quy hoạch này không đơn giản và cũng không thể làm ngày một ngày hai. Tuy đã bắt đúng bệnh, có phác đồ điệu trị đúng thì còn phải cần thuốc đúng liều. Nếu không thì khó chữa khỏi bệnh và việc tái phát là điều khó tránh khỏi.

Giải pháp thứ hai cần làm tốt đó là xử lý ô nhiễm tại hồ phải bằng phương pháp sinh học. Đây là phương pháp “nâng cao thể trạng và sức đề kháng" cho hồ, đảm bảo hồ có khả năng “tự làm sạch", không tái ô nhiễm nếu vẫn còn một số lượng nhất định nguồn ô nhiễm lọt vào hồ. Theo các chuyên gia về môi trường thì cụ thể đó là việc trồng các loại cây thủy sinh như cây thủy trúc, cây dong riềng cảnh, các lại tảo có lợi từ việc hấp thụ nhiều các chất hữu cơ… Đặc biệt là kết hợp trồng với các lại cây có hoa như chuối nước, chuối hoa… để vừa “lọc nước tự nhiên” lại vừa tạo được ảnh quan đẹp, tạo một hệ sinh thái đa dạng cho một danh thắng như hồ Xuân Hương. Cùng đó là việc nuôi trồng nhiều các loại thủy sản ăn các chất hữu cơ, dọn các tạp chất trong lòng hồ như cá mè, các loại trùng bánh xe, các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ…

Tăng cường công năng của hệ thống hồ lắng (hiện có 4 hồ giáp ranh với hồ Xuân Hương) là điều cần tiếp tục làm và phải làm thật tốt. Đây không chỉ là “bộ lọc cơ học” cuối cùng của các nguồn nước vào hồ Xuân Hương mà còn có vai trò quan trọng trong việc chống bồi lắng hồ Xuân Hương. Không bị bồi  lắng cũng đồng nghĩa là hồ Xuân Hương sẽ không phải tháo khô nước, nạo vét lại như những lần qua và như thế hệ sinh thái trong hồ sẽ không bị phá vỡ, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn sự trong sạch tự nhiên cho hồ. Một giải pháp rất quen thuộc nhưng là “gốc của mọi cái gốc” chính là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi người trong việc giữ sự trong sạch cho hồ. Ở đây, nhóm đối tượng quan trọng nhất chính là hàng trăm hộ nông dân sản xuất rau, hoa khu vực thượng lưu của hồ.

Chính quyền đã và đang quyết liệt, cộng đồng cùng chung tay, những giải pháp trên nếu được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, chắc chắn hồ Xuân Hương sẽ không còn ô nhiễm và mãi là một danh thắng tuyệt vời của thành phố hoa Đà Lạt.

Nguồn: Monre