Tình trạng ô nhiễm đại dương do con người gây ra, từ việc thải khí cácbon, sử dụng phân bón và khai thác hải sản quá mức, có thể khiến kinh tế toàn cầu mỗi năm thiệt hại tới 2.000 tỷ USD.
Thông tin trên được nhà phê bình hàng đầu về các chính sách khai thác hải sản quốc tế, ông Rashid Sumaila thuộc trường Đại học British Columbia công bố mới đây trong bản báo cáo “Đánh giá đại dương” tại hội nghị môi trường “Hành tinh dưới sức ép” ở Anh.
Bản báo cáo này cung cấp tổng quan về những nguy cơ đối với các đại dương và hậu quả về mặt kinh tế khi con người không có các hành động đối phó, ngăn chặn kịp thời.
“Bằng cách nhấn mạnh mối liên kết giữa việc đại dương bị ô nhiễm và những giá trị kinh tế lớn lao mà biển cả đem lại cho con người, chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy được những quyết định hợp lý, những hành động tích cực để tăng cường quản lý tình hình đánh bắt trên mọi quy mô, từ địa phương cho đến toàn cầu,” ông Sumaila cho biết.
Bản báo cáo, được ông Sumaila cùng ông Robert Diaz thuộc Viện khoa học đại dương Virginia biên tập, bao gồm những nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học về môi trường và đại dương trên toàn thế giới thực hiện nhằm đánh giá những chi phí mà con người sẽ phải gánh chịu khi làm ô nhiễm biển.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng việc môi trường đại dương ô nhiễm sẽ khiến kinh tế toàn cầu hàng năm thiệt hại 428 triệu USD trong vòng 40 năm và con số này sẽ tăng lên 2.000 tỷ USD/năm vào năm 2100. Nhưng nếu thế giới có các biện pháp tích cực nhằm giảm ô nhiễm tại các đại dương, thiệt hại kinh tế vào năm 2100 có thể giảm xuống còn 600 triệu USD, tiết kiệm cho kinh tế toàn cầu 1.400 triệu USD so với kịch bản trên cơ sở thực trạng hiện nay.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng những thiệt hại kinh tế và giá trị thực tế của các nguồn lợi mà đại dương hiện đang cung cấp cho con người từ thực phẩm - các loại hải sản, đến việc phòng chống bão, phát triển du lịch và giao thông, đều phải được tính đến trong các kế hoạch kinh tế và phát triển, các kế hoạch phòng chống biến đổi khí hậu. Nói chung, vấn đề ô nhiễm đại dương hoàn toàn có thể tránh được nếu việc bảo vệ môi trường đại đương trở thành trung tâm của các nỗ lực toàn cầu nhằm xây dựng một nền kinh tế xanh cho tương lai./.