Với diện tích 222km², Cúc Phương tiếp giáp với 3 tỉnh: Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, là khu rừng nguyên sinh đặc biệt được sự ưu ái của thiên nhiên nên cây cao to, cho những tán rộng xum xuê và một rừng gỗ lớn che phủ cho một tầng các loại cây bụi, rồi đến lớp cỏ quyết phong phú, đa dạng… Từ những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, nơi đây đã được mang tên “Vườn quốc gia Cúc Phương” thu hút được sự quan tâm chung, đặc biệt đối với chương trình nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Rừng nguyên thủy quốc gia Cúc Phương - Di sản quốc gia
Cúc Phương có 1.967 loại gỗ quý của 987 chi thuộc 217 họ, nhiều cây to ngút ngàn, đường kính 7 – 8m, có chiều cao từ 50 – 70m, hình dáng ngoạn mục, tồn tại và phát triển thích nghi với địa hình, diễn biến phức tạp của thiên nhiên mà ở những nơi khác không có được. Đặc biệt nơi đây có cây chò chỉ có tuổi thọ ngàn năm. Có tới 300 loài động vật có xương sống, hơn 50 loài thú hiếm, 145 loài chim, 38 loài bò sát và qua nghiên cứu phát hiện Cúc Phương còn là nơi có nhiều loài lưỡng cư, người ta tìm thấy ở Cúc Phương những cây dương xỉ thân gỗ cổ đại từ hàng chục triệu năm về trước, có những loại cây được mang tên khoa học từ khu rừng này như măng cát, đậu bẹ hoặc lê Cúc Phương… Còn phải kể đến những loài động vật độc nhất vô nhị của thế giới như: sóc bụng đỏ, cá diếc hang. Sách đỏ thế giới đã ghi tên voọc đùi trắng và nhiều loài động vật chỉ có ở Cúc Phương mới phát hiện ra. Đặc biệt còn có ba ngôi mộ cổ được khai quật vào năm 1966 cùng nhiều dụng cụ đồ đá có tuổi từ 7600 đến 1200 năm về trước.
Cúc Phương là miền đất có địa hình ở dạng Caxter nên tạo được cảnh quan đẹp, có nhiều hang động như: Phò Mã Giáng, Vui Xuân, Thủy Tiên, Trăng Khuyết và hơn cả là động Con Moong có nhiều dấu tích khảo cổ (hài cốt, công cụ lao động bằng đá). Ở Cúc Phương, du khách có thể tìm được hành trình du lịch lý thú với rừng già bí ẩn, thả bộ ngắm dòng nước trắng xóa tự quay đưa nước từ dòng chảy tắm mát ruộng đồng, hay lặn ngụp dưới dòng sông Bưởi thơ mộng, leo lên ngọn tháp Giao Thủy. Được đến đây vào độ trăng sáng mà nhâm nhi rượu cần mới cảm nhận trọn vẹn về đêm Cúc Phương. Cúc Phương còn là thế giới của loài bướm với nhiều chủng loại, nhiều màu sắc, có những cuốn sách chỉ để nghiên cứu về các chủng loại bướm ở Cúc Phương.
Bảo tồn và phát triển Cúc Phương, một đòi hỏi cấp thiết
Rừng nguyên thủy Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất miền Bắc là một di sản đáng quý của quốc gia, vậy mà hiện nay công tác bảo trì và phát triển Cúc Phương chưa được quan tâm đúng mức.
Hiện nay, rừng quốc gia Cúc Phương đang đứng trước nhiều thực trạng đáng báo động bởi nạn chặt phá rừng, các loài động vật quý hiếm đang ngày càng mai một. Nguyên nhân chính của việc sụt giảm số lượng các loài động vật quý hiếm là nạn săn bắn bừa bãi. Một số người vào khu vực rừng Cúc Phương để nghiên cứu cho biết họ đã phát hiện khá nhiều bẫy thú. Một số loài thú lớn như hổ, vượn đen má trắng đã tuyệt chủng ở vườn quốc gia Cúc Phương trong thời gian gần đây. Rừng Cúc Phương cũng đang trong tình trạng báo động bởi nạn chặt phá rừng. Đây cũng là vấn đề gây nên sự nghi ngờ và bức xúc đối với người dân sống trong khu vực này.
Trong công tác bảo tồn, Ban quản lý vườn quốc gia Cúc Phương còn nhiều sơ hở, thiếu chặt chẽ và thống nhất với chính quyền địa phương, chậm trễ trong việc tiếp thu phản ánh của người dân. Phần lớn các khu bảo tồn thiên nhiên đều có dân sinh sống. Việc hợp tác giữa cộng đồng địa phương và Ban quản lý vườn quốc gia sẽ tạo ra hiệu quả trong công tác bảo vệ. Người dân địa phương là những người hiểu rõ nhất các vấn đề quan trọng và sống còn với vườn quốc gia. Vì vậy cần có sự tham gia, phối hợp của cộng đồng này.
Có rất nhiều nhà nghiên cứu, cả trong nước lẫn quốc tế đã đến với rừng Cúc Phương say mê với công việc bất chấp điều kiện khắc nghiệt của môi trường nơi đây. Thiết nghĩ, nếu không có sự hỗ trợ, xúc tác về nhiều mặt từ trong và ngoài nước, sự biến dạng ngày một rõ nét, e rằng sẽ làm nản lòng những người đã dành nhiều tâm huyết với vườn quốc gia Cúc Phương. Theo anh Nguyễn Mạnh Cường, người đã có nhiều năm là cán bộ phụ trách quản lý nhà bảo tàng, cần tăng cường thêm vốn, nhân lực hỗ trợ cho công tác bảo tồn. Trong đó có phần kinh phí đào tạo giáo dục, nâng cao tinh thần, nhận thức xây dựng một mô hình kinh tế cộng đồng tại đây. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các Ban, Ngành hữu quan cấp thiết có giải pháp cụ thể giúp cho người dân trong khu vực vườn quốc gia Cúc Phương, nhất là bà con dân tộc Mường có việc làm ổn định, đảm bảo mức sống, chấm dứt tình trạng phải sống bằng nghề rừng. Đặc biệt, cần có kế hoạch đầu tư phát triển để đi vào khai thác cho du lịch, hỗ trợ vốn cho địa phương, quảng bá, giới thiệu rộng rãi tới du khách về Cúc Phương. Anh Cường cũng đề đạt mong muốn các Ban, Ngành liên Bộ cần sát sao giúp đỡ làng Khanh, một làng du lịch sinh thái với những ngôi nhà truyền thống của người Mường, để sớm thực hiện và phát triển những dự án đã đề ra.
Hy vọng, với tinh thần của Năm môi trường sinh thái quốc tế nhằm giảm thiểu hậu họa vấn đề khí hậu toàn cầu, các Ban, Ngành sẽ có trách nhiệm tích cực thực hiện nhiệm vụ, không còn ỷ lại chung chung như trước đây, tạo bước tiến mới cho các công trình hạng mục nhà nước nói chung và không gây xáo trộn, biến dạng rừng nguyên sinh vườn quốc gia Cúc Phương nói riêng.
An Bình