Sức hút từ di sản văn hoá Biển Việt Nam

Cập nhật: 14/05/2012
Trên diện tích trưng bày 200m2, triển lãm “Di sản văn hoá Biển Việt Nam” khai mạc ngày 18.5 tới tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hứa hẹn sẽ là sự kiện hấp dẫn với đầy ắp những thông tin, hình ảnh, hiện vật đa dạng và phong phú.

Đây cũng là sự kiện mà ở đó, mỗi hiện vật, tài liệu đều chứa đựng những thông điệp về tình yêu Tổ quốc, góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc và nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo VN. 

Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, triển lãm chuyên đề Di sản văn hoá Biển VN do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bảo tàng Bà Rịa- Vũng Tàu, Bảo tàng Cà Mau, Bảo tàng Hải Phòng, Bảo tàng Hưng Yên, Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Quảng Ngãi, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An và Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa tổ chức nhân dịp kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng 18.5.

Triển lãm không chỉ là mong muốn của những người làm công tác bảo tàng mà còn của đông đảo học giả và khách tham quan trong và ngoài nước. Những tài liệu, hình ảnh, hiện vật được trưng bày khoa học nhằm giới thiệu khái quát vai trò, vị trí của Biển Đông và các thành phố, thương cảng VN trong lịch sử hình thành và hoạt động của tuyến đường giao thương hàng hải quốc tế; mối giao lưu, ảnh hưởng văn hóa giữa VN với các nền văn minh, văn hóa dọc theo con đường thương mại trên biển; đồng thời giới thiệu, quảng bá rộng rãi tới đông đảo công chúng về lịch sử khám phá, khai thác kinh tế biển và thực thi chủ quyền của VN trên Biển Đông.

Sẽ có ba nội dung trưng bày trong không gian triển lãm, bao gồm: Di sản văn hóa Biển VN từ Tiền sử tới thế kỷ X; Di sản văn hóa Biển VN từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII và Di sản văn hóa Biển VN từ thế kỷ XIX đến hiện đại. Khách tham quan có cơ hội chiêm ngưỡng rất nhiều những hiện vật độc đáo tại đây. Nếu như ở không gian Di sản văn hoá Biển VN từ Tiền sử đến thế kỷ X, sức hút là những hiện vật khảo cổ học các di chỉ Hạ Long, Quỳnh Văn, Xóm Ốc (đảo Lý Sơn), phản ánh sự giao lưu, giao thoa văn hoá giữa các nhóm cư dân lục địa và hải đảo hay các tài liệu quý như Bản đồ Con đường gia vị thời cổ đại, bản đồ Ptolemy; tài liệu, hình ảnh khai quật di chỉ Óc Eo năm 1944; hiện vật khảo cổ học di tích Hoà Diêm... thì ở phần trưng bày Di sản văn hoá Biển VN từ thế kỷ XI- XVIII lại giới thiệu nhiều hiện vật, tài liệu quý như hiện vật khảo cổ học Vân Đồn; tàu đắm cổ Cù Lao Chàm (Hội An); tàu đắm cổ Hòn Dầm (Kiên Giang); bản đồ Đông Nam Á, bản in sao tranh vẽ thương cảng Kẻ Chợ; hiện vật khảo cổ học Domea, Tiên Lãng, Phố Hiến, Hội An hay hiện vật tàu cổ Hòn Cau, Bình Thuận, Cà Mau; đồ gốm sứ mậu dịch Arita Nhật Bản thế kỷ 17-18; sưu tập súng thần công thời Minh, Trung Quốc vớt ở vùng biển Vũng Tàu...

Ở nội dung Di sản văn hoá Biển VN từ thế kỷ XIX đến hiện đại trưng bày những tài liệu khoa học quan trọng như bản in sao Đại Nam nhất thống toàn đồ triều Minh Mệnh, bản in sao An Nam đại quốc hoạ đồ của Đức giám mục Jean- Louis Taberd, bản in sao Châu bản triều Nguyễn niên hiệu Minh Mạng 19 (1838) về việc đo đạc, cắm mốc và vẽ bản đồ Hoàng Sa; bản số hóa Châu bản triều Nguyễn niên hiệu Bảo Đại 13 (1939) về Hoàng Sa; bản in trang nội dung trong Đại Nam thực lục về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và ngoại thương hàng hải thời Nguyễn... Bên cạnh đó là những hình ảnh, tài liệu về chủ quyền biển đảo VN từ 1945- 1975; đặc biệt là những tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến công tác biên giới, lãnh thổ của nước CHXHCN VN...

Không chỉ là những tài liệu, hình ảnh có sức cuốn hút mạnh mẽ, trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa Biển Việt Nam còn là chứng minh sinh động về những đóng góp quan trọng vào lịch sử hình thành và hoạt động của hệ thống giao thương hàng hải quốc tế của VN. Đồng thời, cũng là những thông điệp vững chắc về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thời gian trưng bày từ 18.5 đến 30.11.2012.

Hội thi tuyên truyền “Biên giới và biển đảo VN”: Thu hút hàng ngàn lượt người xem
Kết thúc sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, Hội thi tuyên truyền “Biên giới và biển đảo VN” khu vực phía Bắc đã bế mạc tối 8.5 tại TP Móng Cái (Quảng Ninh). Hội thi có sự tham gia của trên 350 nghệ sĩ, diễn viên với nhiều tiết mục, chương trình biểu diễn sôi động, thu hút hàng ngàn lượt người xem. Các đội tuyên truyền lưu động đã chia thành 5 nhóm biểu diễn phục vụ nhân dân tại các địa phương: Hoành Bồ, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long, Tiên Yên. Các tiết mục tham dự chủ yếu ca ngợi truyền thống quê hương đất nước, xây dựng nông thôn mới... Kết thúc hội thi, BTC đã trao 16 HCV, 32 HCB và 16 Giấy khen cho các đơn vị, tiết mục xuất sắc và xe trang trí diễu hành cổ động. A.T

Vận động ủng hộ quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”

Nhằm hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho quân dân đang sinh sống ở huyện đảo Trường Sa, Liên đoàn Lao động TP.HCM đã triển khai cuộc vận động ủng hộ quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”, kêu gọi các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tiếp thêm nguồn sức mạnh để quân và dân Trường Sa chung tay bảo vệ chủ quyền đất nước.

Ngoài ra, cuộc vận động còn nhằm giáo dục và nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm cũng như nhận thức của người dân về tầm quan trọng, vai trò và vị trí của biển đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. H.Q

 

Phương Hà

Báo Văn hóa