Du lịch cộng đồng- nhìn từ huyện đảo Cô Tô

Cập nhật: 16/05/2012
Du lịch cộng đồng đã xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1997. Trải qua hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, du lịch cộng đồng đã đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế cho người dân địa phương. Cô Tô, huyện đảo được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp... đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng hướng tới bền vững.

Nhìn từ huyện đảo Cô Tô

Cô Tô có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, bởi ngoài tiềm năng vốn có của địa phương, người dân nơi đây rất thân thiện, hiếu khách. Du lịch cộng đồng sẽ tăng cường tính đoàn kết giữa doanh nghiệp du lịch và người dân, đem lại cho nhiều gia đình thêm khoản thu nhập. Tại đây đã xây dựng nhiều chương trình du lịch cộng đồng bằng nhiều dịch vụ hấp dẫn như được tham quan khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đảo, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Du khách sẽ được bố trí đến ở tại nhà dân để trải nghiệm cuộc sống, tham gia đánh cá, câu mực... như những ngư dân; tham gia các hoạt động tập thể, đốt lửa trại, hoạt động xã hội, tình nguyện trên địa bàn huyện đảo.

Một trong những thành công của du lịch cộng đồng đó là năm 2011, Chương trình “Hành trình vì biển đảo quê hương” đã được tổ chức thành công 7 chuyến, đem lại kỷ niệm, cảm xúc đáng nhớ cho gần 600 đoàn viên, thanh niên. Tiếp nối thành công đó, năm 2012 Cô Tô trích 1 tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ các đoàn tham gia hành trình “Vì biển đảo quê hương”. Cô Tô kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, các trường học trên toàn quốc tham gia hành trình “Vì biển đảo quê hương” với hình thức hỗ trợ 1 lượt vé tàu cao tốc. Năm nay với quy mô được mở rộng, Cô Tô dự tính có khoảng 5.500 đoàn viên thanh niên sẽ tham gia với 50 chuyến “Hành trình vì biển đảo quê hương”.

Để làm được điều này, trong năm qua huyện đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch. Hệ thống thông tin trên đảo cũng được đầu tư đáp ứng tốt nhu cầu liên lạc của du khách. Sau khi Viettel phủ sóng internet 3G năm 2010, vào tháng 2-2012, Cô Tô chính thức hoàn thành phủ sóng wifi toàn huyện và trở thành huyện đảo đầu tiên trong cả nước phủ sóng wifi toàn huyện. Công tác vệ sinh môi trường cũng được tăng cường nhằm giữ gìn cảnh quan môi trường cho đảo. Trên địa bàn luôn có từ 20-30 lao động thu gom rác thải. Tại xã đảo Thanh Lân, rác sẽ được vận chuyện bằng thuyền rồi tập kết và đưa vào xử lý bằng hệ thống đốt rác hiện đại.

Bên cạnh đó, để giúp cho nhân dân hiểu được về kỹ năng phục vụ khách du lịch khi tham gia vào chương trình du lịch cộng đồng, huyện đã cử các cán bộ của huyện, cán bộ, nhân viên của công ty lữ hành tới từng hộ gia đình tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các kỹ năng phục vụ như việc giao tiếp, nấu ăn, vệ sinh, xây dựng đội văn nghệ… Ngoài ra, tham gia vào chương trình du lịch cộng đồng, người dân sẽ được hỗ trợ kinh phí để xây dựng sửa chữa nhà cửa, một phần phụ phí sinh hoạt ăn uống khi có khách đến ở.

Với sự tập trung đầu tư mọi nguồn lực từ các cấp chính quyền, thành phần kinh tế có thể thấy việc phát triển du lịch cộng đồng sẽ giúp cho Cô Tô hoàn thiện hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển du lịch hướng tới bền vững. Tương lai không xa đây sẽ là mô hình hay, cách làm hiệu quả giúp cho nhiều hộ gia đình huyện đảo thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trước mắt, mục tiêu của Cô Tô trong dịp hè năm 2012 là sẽ phấn đấu đón khoảng 12.000 lượt khách.

Phát triển theo hướng nào?

Việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng kiểu homestay mang đến nhiều lợi ích cho cả khách du lịch lẫn người dân địa phương cũng như các công ty du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích hiện hữu còn những vấn đề cần nhiều sự quan tâm, nhất là việc giữ gìn bản sắc văn hóa khỏi sự ảnh hưởng, xâm hại của văn hóa ngoại lai.

Bên cạnh đó, việc du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài thường ít chọn du lịch công đồng theo tour mà muốn tự lên kế hoạch và tự mình trải nghiệm. Nhưng điều đó cũng kéo theo rất nhiều vấn đề. Đầu tiên đó là việc quản lý, khách du lịch theo dạng tự do sẽ không được nhận bảo hiểm. Bất cứ rủi ro nào mà du khách gặp phải sẽ không nhận được sự giúp đỡ kịp thời như khi đi theo tour có hướng dẫn viên.

Việc phát triển du lịch cộng đồng rất phù hợp với đặc thù văn hóa của nước ta. Tuy nhiên trải qua hơn mười năm phát triển, giữa cái được và cái mất còn nhiều vấn đề phải bàn đến. Bài học từ việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống huyện Mai Châu khi có yếu tố văn hóa ngoại lai xâm hại, hay những cảnh bị người dân tộc tại Sapa đòi tiền nếu muốn chụp ảnh chung… sẽ là những kinh nghiệm quý báu đối với một huyện đảo mới bước đầu khởi sắc trong phát triển loại hình du lịch cộng đồng như Cô Tô, làm sao để ngày càng thu hút được lượng lớn khách du lịch, lại vẫn tránh làm mai một những nét văn hóa bản địa mà nếu mất đi sẽ không dễ dàng tìm lại.

TD

 

Nguồn: Cinet