Hát then trước cơ hội được công nhận là di sản văn hóa thế giới

Cập nhật: 17/05/2012
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành xây dựng hồ sơ đề án trình UNESCO công nhận hát then là di sản văn hóa thế giới.Đây thực sự là cơ hội lớn để hát then của dân tộc Tày được cả thế giới biết đến, là cú huých cho phát triển du lịch.

Tuy nhiên, hát then của dân tộc Tày ở tỉnh ta đang có chiều hướng mai một, việc bảo tồn làn điệu này đang được đặt ra cấp bách để hát then Tuyên Quang có trong dòng chảy di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại...

Trước hết phải khẳng định, hát then là di sản văn hóa của vùng Việt Bắc, Tây Bắc. Vùng lõi của hát then là các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Kạn. Hát then là văn hóa “gốc” của dân tộc Tày nhưng thực tế người Nùng, người Thái cũng hát then và hát then đã có mặt ở 14 tỉnh, thành phố trong cả nước, đến cả khu vực Tây Nguyên. Điều này khẳng định, hát then không còn mang tính địa phương, có sức lan tỏa rộng lớn và việc đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới là hoàn toàn đúng đắn và xứng đáng.

Vùng hát then của Tuyên Quang tập trung chủ yếu ở Chiêm Hóa, Nà Hang và Lâm Bình và một số xã của các huyện Sơn Dương, Yên Sơn và Hàm Yên. Ở Chiêm Hóa, Nà Hang, Lâm Bình không gian diễn xướng hát then còn tương đối rõ nét, có sự vào cuộc và vai trò to lớn của các nghệ nhân. Hát then của Tuyên Quang có đặc trưng là giai điệu mượt mà, đằm thắm và mở đầu câu hát bao giờ cũng có từ “ới la”. Từ ới la ở đây có  nghĩa là khát vọng giao đãi của con người với trời đất, thiên nhiên, vạn vật. Cấu trúc âm nhạc của then Tuyên Quang là các quãng âm nhạc gần nhau hơn tạo âm hưởng đầm ấm của con người. Then Tuyên Quang có một số làn điệu cổ như then cấp sắc công nhận một người đủ điều kiện làm thầy cúng, lo việc tâm linh của bản làng; then kỳ yên (cầu điều lành và điều tốt) và then lễ hội. Bản chất của các loại hình diễn xướng then này là tín ngưỡng.

Ở Tuyên Quang hát then có mặt ở các hội diễn, giao lưu văn hóa văn nghệ và đặc biệt là món ăn tinh thần không thể thiếu ở các xóm bản vùng Chiêm Hóa, Nà Hang, Lâm Bình. Thông qua hoạt động bền bỉ, nhiệt huyết của các nghệ nhân văn hóa dân gian và hạt nhân văn hóa cơ sở, hát then được duy trì và phát triển, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở nhiều nơi trong tỉnh. Tỉnh ta hiện có 2 người nắm giữ được các làn điệu then cổ là nghệ nhân Hà Thuấn, ở xã Tân An (Chiêm Hóa) và ông Nguyễn Mạnh Thẩm, ở xã Thanh Tương (Nà Hang); và có khoảng 40 hạt nhân văn hóa cơ sở hát then. Hoạt động của các nghệ nhân, hạt nhân văn hóa dân tộc Tày là yếu tố quyết định để bảo tồn, phát huy giá trị của hát then, nhất là trong việc xây dựng các làng văn hóa du lịch. Tỉnh Tuyên Quang đã hình thành một số làng văn hóa du lịch gắn với vai trò quan trọng của làn điệu then như Làng Văn hóa - Du lịch Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương); Nà Khá, xã Năng Khả (Nà Hang) và Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình).

Hát then đã được bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng nhưng đang đứng trước nguy cơ bị mai một nếu không có giải pháp đồng bộ và hữu hiệu. Ông Nguyễn Vũ Phan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, bảo tồn văn hóa, trong đó có hát then không thể bảo tồn trên băng đĩa và trong sách mà phải được sống trong nhân dân và được nhân dân đón nhận. Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ nắm giữ vai trò định hướng, chứ không thể làm thay, phải để cho chính bà con dân tộc Tày bảo tồn, phát huy giá trị hát then là yêu cầu quan trọng. UNESCO chỉ công nhận hát then cổ là di sản văn hóa thế giới, còn then cách tân (then mới) không có giá trị.

Bảo tồn, phát huy giá trị làn điệu then không chỉ chú trọng ở đội ngũ nghệ nhân, hạt nhân văn hóa mà cần đưa then vào các trường học vùng hát then của tỉnh để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ông Nguyễn Vũ Phan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, ngành đã đề nghị với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh giới thiệu bộ môn hát vào các trường học ở vùng hát then nhưng không được chấp nhận, một số người cho rằng điều này không cần thiết, các trường học còn có nhiều nội dung học tập cần phải triển khai hơn...

Nguy cơ một bộ phận người dân tộc Tày ở một số địa phương bị “mất gốc”, không còn nói được tiếng mẹ đẻ cũng là thách thức đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị của hát then. Ở huyện Sơn Dương, xã Minh Thanh có hơn 70% dân số là dân tộc Tày nhưng đến giờ phần lớn người dân tộc Tày ở đây không nói được tiếng Tày. Xã Tân Trào, dân tộc Tày chiếm đa số nhưng tình trạng nhiều người, nhất là thế hệ trẻ không nói được tiếng Tày cũng không phải là hiếm... Do đó, hoạt động của đội văn nghệ Làng Văn hóa - Du lịch Tân Lập hiệu quả rất hạn chế, biểu diễn hát then chỉ là sự chắp vá, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Yêu cầu đặt ra đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị hát then, ông Nguyễn Vũ Phan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: yếu tố quyết định là phải coi trọng vai trò của các nghệ nhân, hạt nhân văn hóa dân tộc Tày. Từ trước tới nay, mới chỉ là sự coi trọng về mặt tinh thần, động viên, cổ vũ, đến giờ cần phải quan tâm vật chất, dành một phần kinh phí thỏa đáng hỗ trợ hoạt động của các nghệ nhân để họ truyền dạy làn điệu then cho thế hệ trẻ và đào tạo người kế nghiệp. Không ai có thể thay các nghệ nhân đào tạo người kế nghiệp mà phải do chính các nghệ nhân đảm nhiệm. Đồng thời, các địa phương cần tổ chức hội nghị tôn vinh các nghệ nhân, hạt nhân văn hóa dân gian hằng năm để động viên, cổ vũ những người có đóng góp tích cực đối với đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Tới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục làm việc với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh giới thiệu bộ môn hát then vào các trường học trong vùng hát then, bảo đảm thế hệ trẻ là người dân tộc Tày, Nùng, Thái được tiếp thu làn điệu then, góp phần tích cực đưa hát then sống trong lòng quần chúng nhân dân, thực sự là di sản văn hóa thế giới.

Nguồn: Báo Tuyên Quang