Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm vừa được chỉ huy Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường CATP Hà Nội, quán triệt đến các đội nghiệp vụ tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Chỉ huy Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường CATP Hà Nội cho biết: trên địa bàn Thủ đô đang tồn tại nhiều làng nghề vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử lý hàng chục cơ sở gây ô nhiễm. “Việc xem xét trách nhiệm hình sự của những cá nhân vi phạm là cần thiết, song không “gấp” bằng việc phải bảo vệ sức khỏe người dân đang sinh sống tại đây - đại diện cơ quan công an phân tích. Sống trong môi trường ô nhiễm, người dân đang phải gánh chịu hậu quả từ khí thải độc hại, nước thải nguy hại, nhiều người bị bệnh ngoài da, bệnh đường ruột, bệnh hô hấp tăng mạnh, thậm chí có người bị ung thư do ô nhiễm làng nghề.
Một trong những làng nghề cần tập trung khắc phục tình trạng ô nhiễm rác thải, chất thải lỏng, chất thải rắn, chất thải khí… là các loại làng nghề: dệt may, thêu, sơ chế lông vũ, thu gom phế liệu, tẩy -nhuộm - hấp, chế biến nhựa tái sinh (ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Là xã nhỏ, nhưng Tân Triều có tới 400 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Nghề truyền thống giúp đời sống nhân dân được nâng lên, nhưng nghề cũng tạo ra mặt trái - ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Hiện nay, trong quá trình hoạt động, các cơ sở trên phát sinh ra nhiều khí thải (từ hoạt động đốt nhựa, tái chế phế liệu), nước thải (từ tái chế phế liệu, tẩy-nhuộm-hấp), không được xử lý, thải trực tiếp vào các ao, hồ phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Để chấn chỉnh tình trạng này, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, đã lên danh sách kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm, tập trung xử lý, kiến nghị đình chỉ các vi phạm.