Lâu nay, hiện tượng chèo kéo, đeo bám khách du lịch tại khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch quốc tế đến Hà Nội có cái nhìn thiếu thiện cảm.
Từ ngạc nhiên đến bức xúc
Vào đầu năm 2012, bài viết "Why I'll never return to Vietnam" - “Tại sao tôi không bao giờ trở lại Việt Nam?” do Matt Kepnes, người Mỹ, viết trên trang nhật ký cá nhân, chỉ trích du lịch Việt Nam được đăng tải trên tờ Huffington Post, Mỹ, gây sự chú ý của dư luận. Trong bài viết này Matt thẳng thắn tuyên bố: “Sau những trải nghiệm ở đây, tôi sẽ không bao giờ quay lại đất nước này nữa…”. Lý giải cho lời khẳng định này, Matt kể về chuyến du lịch bụi của anh tới Việt Nam cách đây vài năm. Theo cảm nhận của anh, những người bán hàng rong dường như luôn tìm cách “chặt chém” khách du lịch, những người bán áo phông tranh nhau kéo áo du khách để mời mua hàng...”. Mặc dù, những địa điểm mà Matt nhắc đến không có Hà Nội, nhưng những gì anh viết đã phần nào phản ánh bức tranh du lịch Việt Nam ở những thành phố lớn.
Vào một buổi sáng cuối tuần, trong vai khách du lịch đến Hà Nội, chúng tôi bắt gặp hiện tượng đeo bám khách du lịch hiện hữu trên khắp các con phố cổ. Không ít du khách nước ngoài đi từ ngạc nhiên đến bức xúc khi bị những người bán hàng rong chèo kéo, đeo bám khắp các con phố. Anh Hamish Hay - một du khách người Úc nhận xét: “Tôi thực sự ấn tượng với cảnh đẹp và con người Việt Nam. Đây là lần thứ 2 tôi trở lại Hà Nội. Tôi rất thích được đi dạo quanh những con phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Song, không ít lần những người bán hàng rong quanh khu vực này đã khiến tôi phải bực mình khi họ cứ lẽo đẽo đi theo mời chào những món đồ lưu niệm, áo phông, bật lửa… dù tôi đã từ chối”.
Có mặt tại ngã tư Hàng Gai, Cầu Gỗ, Đinh Tiên Hoàng chưa đầy 15 phút, chúng tôi đã chứng kiến khá nhiều hình ảnh không đẹp mắt từ đội ngũ bán hàng rong đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Cứ hễ nhìn thấy khách du lịch người nước ngoài đi bộ quanh khu vực này là họ lại tìm mọi cách mời mọc, mặc những cái xua tay, lắc đầu và cả sự khó chịu của du khách. Anh Nguyễn Công Thắng, một khách du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Vào một buổi sáng đẹp trời như thế này, tôi chỉ muốn thư thái đi dạo, nhìn ngắm phố phường mà không bị ai làm phiền. Vậy mà từ lúc ra khỏi khách sạn đến giờ, chẳng lúc nào tôi có không gian riêng. Đã vậy, mua món đồ gì cũng bị người bán “hét” giá cao ngất ngưởng khiến tôi không biết trả giá thế nào cho đúng. Bản thân mình là người Việt còn bị chặt chém và cảm thấy khó chấp nhận khi bị người khác làm phiền thì không hiểu khách nước ngoài họ sẽ cảm thấy như thế nào…”.
“Thuốc” chưa đủ mạnh?
Bên cạnh khu vực hồ Hoàn Kiếm, ở một số khu danh thắng trên địa bàn thành phố tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến. Đơn cử như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học, đền Bà Kiệu… nơi nào cũng có đội ngũ bán hàng rong thường trực đeo bám khách du lịch. Được biết, chiến dịch “xoá sổ” những người hành nghề “đeo bám” được chính quyền các phường nhiều lần triển khai, nhưng xem ra kết quả vẫn không mấy khả quan.
Ông John Hart, một du khách người Mỹ thừa nhận: “Thật ra, hiện tượng đeo bám, tăng giá đối với khách du lịch nơi nào cũng có. Ngay cả những nước có nền du lịch phát triển như Ý, Pháp… tình trạng này cũng không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu cứ để nó tái diễn và không có giải pháp cụ thể thì du khách sẽ không muốn quay lại Hà Nội nữa. Đã không ít lần vì quá mệt mỏi với những người bán hàng, tôi đành phải bỏ tiền mua một chiếc áo phông khi đang đi thăm thú khu phố cổ để tránh bị làm phiền. Nhưng tôi vừa mua xong, một thanh niên bán đồ lưu niệm khác lại lẵng nhẵng theo tôi suốt dọc phố Hàng Bè. Thấy tôi tỏ thái độ khó chịu, trước khi bỏ đi người thanh niên này còn buông những lời lẽ khó nghe…”.
Sự hấp dẫn du lịch mà mỗi điểm đến tạo ra chính bởi sự khác biệt và cuốn hút của văn hóa bản địa, thái độ, hành vi của con người ở đó. Khi người dân vẫn còn nghĩ du lịch hay phát triển du lịch là chuyện của ai đó, không liên quan gì đến mình thì không tránh khỏi cách đối xử mang tính phân biệt, hoặc “bóc lột” vì quyền lợi cá nhân. Được biết, Tổng cục Du lịch, ngành du lịch các địa phương đã phối hợp tổ chức rất nhiều hội thảo tìm nguyên nhân, bàn giải pháp để giải quyết vấn nạn đeo bám, chặt chém khách du lịch, nhưng dường như các liều thuốc vẫn chưa có hiệu quả.
Số liệu thống kê cho thấy tỉ lệ khách du lịch quay lại Việt Nam lần 2 đang giảm sút một cách trầm trọng. Có lẽ vấn đề không chỉ nằm ở vẻ đẹp thuần túy từ đôi mắt của khách du lịch. Bởi vậy, đối với các nhà quản lý du lịch, ngoài chính sách quản lý thì vấn đề cần quan tâm hơn nữa chính là giáo dục văn hóa cho những người bán hàng để họ có thể tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và bạn bè quốc tế về một Hà Nội thân thiện, mến khách. Đây có lẽ là một bài toán lâu dài mà các nhà quản lý phải vất vả để tìm một lời giải.