Hiện nay, nhiều danh lam, thắng cảnh cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang bị xâm hại, cảnh quan xuống cấp nghiêm trọng; riêng tại thành phố Đà Lạt, có bảy danh thắng đang bị xâm hại là hồ Than Thở, ga xe lửa Đà Lạt, Thung lũng Tình yêu, thác Prenn, thác Cam Ly, hồ Tuyền Lâm và Di tích Dinh Bảo Đại.
Trong đó, tại hồ Than Thở vẫn còn tình trạng các hộ dân xung quanh lấn chiếm, xả rác sản xuất nông nghiệp như vỏ chai thuốc sâu, túi nilong, gây mất cảnh quan và ô nhiễm môi trường.
Tương tự, khu du lịch thác Prenn, thác Cam Ly cũng bị ô nhiễm nặng do việc xả rác, thải nước bẩn bừa bãi của các hộ dân xung quanh. Hàng chục hecta của hai khu du lịch này bị người dân lấn chiếm làm nhà, đất sản xuất. Còn Khu du lịch Thung lũng Tình yêu đang tiếp tục bị xâm hại trước tình trạng khai thác thiếc trái phép kéo dài từ nhiều năm nay, đe dọa đến cảnh quan và gây bức xúc trong dư luận.
Trên địa bàn tỉnh còn nhiều danh thắng cũng đang đối mặt với tình trạng bị ô nhiễm, cảnh quan bị đe dọa nghiêm trọng như khu du lịch Langbian ở huyện Lạc Dương có đường dân sinh chung với đường nội bộ của khu du lịch nên việc đi lại chung gây mất vệ sinh môi trường và mất an toàn cho du khách. Trong khi đó, thắng cảnh thác Bảo Đại, thác Gougah ở huyện Đức Trọng… đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Chưa kể, thác Gogah đã bị ngập hơn 2/3 thác nước, đang bị xuống cấp trầm trọng.
Việc giao danh thắng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng còn nhiều bất cập như chưa có sự đầu tư lâu dài, nhiều nơi chỉ hoạt động mang tính chất cầm chừng, sản phẩm đơn điệu và trùng lắp… gây lãng phí tài nguyên du lịch của địa phương.
Trước thực trạng trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh có biện pháp với các đơn vị quản lý di tích phải lập hồ sơ quy hoạch theo quy định và có sự đầu tư hợp lý, chống xuống cấp các di tích; chỉ đạo các sở, ngành liên quan tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc đầu tư, nâng cấp, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn./.
TTXVN