Về Đường Lâm sống cùng với dân

Cập nhật: 08/06/2012
Làng cổ Đường Lâm là một địa danh quen thuộc với du khách trong cũng như ngoài nước. Là một trong những làng cổ hiếm hoi còn sót lại, Đường Lâm đã được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia và là điểm đến được lựa chọn trong các chương trình du lịch tại miền Bắc. Mới đây, làng cổ Đường Lâm đã thí điểm một hình thức du lịch mới đó là “ du lịch sống cùng với dân”.

 

Hình thức du lịch sống cùng với dân tại ngay nhà của người dân được goị là “ homestay”. Trên thế giới homestay là một loại hình du lịch rất phát triển, còn tại Việt Nam hình thức du lịch này cũng đã được một vài địa phương áp dụng và có những hiệu quả rõ rệt. Nhận thấy những hiệu quả thiết thực từ du lịch “homestay” cũng như thế mạnh địa lý và văn hóa - lịch sử của mình. Đường Lâm đã mạnh dạn thí điểm áp dụng hình thức du lịch này

Nằm cách Hà Nội chỉ khoảng 50km, Làng cổ Đường Lâm là một trong số ít các làng vẫn còn nguyên vẹn nét xưa cũ. Vẫn cây đa, giếng nước, con đò...Đường Lâm là cả một bầu trời bình yên chứa đựng những hình ảnh về vùng quê Bắc Bộ bình dị, hiền hòa. Tuy được gọi là làng nhưng thực chất làng cổ Đường Lâm xưa gồm 9 làng thuộc Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề với nhau. Các làng này gắn kết thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng ngàn năm vẫn không thay đổi. Tại Đường Lâm cho đến nay vẫn còn hơn 900 ngôi nhà truyền thống, trong đó những ngôi nhà xưa nhất được xây từ những năm 1649, 1703 và 1850...đặc trưng của các nhà cổ truyền thống ở đây là tất cả đều được xây từ những khối đá ong. Không chỉ có vậy Đường Lâm còn có 8 di tích lịch sử - văn hóa trong đó nổi bật nhất là chùa Mía. Bên cạnh đó những nghề thủ công của Đường Lâm cũng là một đặc điểm rất hấp dẫn tạo nên dáng vẻ riêng cho ngôi làng này.

Vì hình thức du lịch “ homestay” thường được những người thích khám phá tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, đời sống lựa chọn nên rất phù hợp để áp dụng tại làng cổ Đường Lâm. Do mới thực hiện nên "homestay" Đường Lâm mới chỉ dừng lại ở khâu tổ chức ăn uống cho du khách, cho thuê xe đạp để du khách tự khám phá mà chưa thật sự có một chương trình hoàn chỉnh và cũng mới chỉ được thí điểm đón khách, sinh hoạt, ăn ở tại 15 hộ gia đình trong làng.

Trưởng ban quản lý làng cổ Đường Lâm cho biết thêm về chương trình du lịch “homestay”: Cái khó để phát triển du lịch homestay ở Đường Lâm hiện nay là một số nghề truyền thống của làng như nghề đá ong, nghề mộc hầu như không còn; hệ thống nhà cổ hoặc đang tu sửa, hoặc đang xuống cấp, chật chội; người dân chưa biết cách làm du lịch vốn tiếng nước ngoài cũng còn hạn chế… Mặc dù khó khăn như vậy, song dưới cách nhìn của Tổ chức JICA Nhật Bản tại Đường Lâm thì du lịch homestay là hướng đi mới cho ngôi làng cổ độc đáo này. Ban quản lý làng cổ cũng như các cơ quan chức năng tại Đường Lâm có thể mở các lớp đào tạo người dân cách làm du lịch, phát triển lại các nghề thủ công sản xuất thành quà lưu niệm bán cho du khách...

Dự kiến đến năm 2020, làng cổ Đường Lâm sẽ đón 30 nghìn khách đến tham quan. Với lượng khách này, rõ ràng mô hình du lịch homestay sẽ mở ra hướng đi mới cho làng, quan trọng là người dân Đường Lâm có biết cách mở cửa đón khách hay áp dụng du lịch homestay hay không mà thôi.

 

Nguồn: Vista/Cinet