Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu trước nguy cơ mất khách (Bài 1): Lập đội "phản ứng nhanh" xử lý nạn "chặt chém", chèo kéo...

Cập nhật: 14/06/2012
Là một tỉnh có vị trí thuận lợi, khí hậu trong lành, biển xanh cát trắng, hệ thống di tích lịch sử nổi tiếng… nhưng Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) chưa biết biến những tiềm năng đó thành lợi thế để thu hút khách. Không chỉ thiếu những sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo, BR-VT còn khiến du khách lo ngại vì nhiều vấn nạn du lịch như “chặt chém”, chèo kéo, đeo bám du khách, giao thông không thuận lợi…

Bãi biển nhếch nhác

BR-VT là địa phương phát triển du lịch khá sớm so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Tuy nhiên, du lịch BR-VT những năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, không thu hút khách, trong đó một phần rất lớn xuất phát từ những vấn nạn du lịch như: “Chặt chém”, chi hoa hồng cho tài xế, chèo kéo, đeo bám du khách, hệ thống giao thông chưa thuận tiện…

Hàng rong đeo bám, chèo kéo du khách là hình ảnh thường gặp khi du khách đến TP. Vũng Tàu, đặc biệt là những tuyến đường có đông du khách nước ngoài qua lại như: Trần Hưng Đạo, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lê Lợi, Quang Trung, Thuỳ Vân… Mặc dù, thời gian qua, các cơ sở du lịch của tỉnh BR-VT đã có nhiều hành động “nói không” với nạn chèo kéo du khách, nhưng tình trạng này vẫn chưa chấm dứt. Điều đáng nói là từ trước đến nay, các chiến dịch ra quân xử lý hàng rong màkhông có sự phân biệt rõ ràng với nạn chèo kéo, đeo bám du khách; chưa thực sự có một đợt ra quân quyết liệt đánh mạnh vào hành vi chèo kéo, đeo bám du khách mà vẫn đánh đồng trong tên gọi chung là “hàng rong”. Thế nên, nạn chèo kéo du khách vẫn diễn ra. Không chỉ có du khách nước ngoài bị ức chế, mà người dân địa phương khi bắt gặp những cảnh như vậy cũng thấy khó chịu.

Hàng rong đeo bám, chèo kéo du khách nước ngoài trên đường Trần Hưng Đạo, TP. Vũng Tàu

Chèo kéo, đeo bám đã đành, nhiều du khách đến Vũng Tàu còn bị mất tiền oan vì những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống “chặt chém” thẳng tay. Giúp sức để chủ quán “chặt chém” du khách là lực lượng “cò” mồi chài quán ăn rất đông đảo. Từ “cò” chạy xe máy đến “cò” chạy taxi dùng đủ mánh để chèo kéo khi các quán ăn sẵn sàng chơi đẹp bằng hoa hồng 20-30% số tiền móc túi khách cho “cò”. Dọc đường Thùy Vân, Hoàng Hoa Thám... lực lượng “cò” đi xe máy lên đến hàng chục người. Bà Hương, chủ quán Như Ý, một trong những “điểm đen” chặt chém khách cho biết, bà sẵn sàng chi 20% cho “cò” chạy xe máy dẫn khách tới quán: “Nếu khách ăn 10 triệu đồng, cò sẽ được 2 triệu đồng”. Còn các “cò” chạy taxi giới thiệu được nhiều khách dễ tính nên hoa hồng được hưởng cao hơn.

Ông Trần Văn Trường - Giám đốc Ban quản lý các khu du lịch TP. Vũng Tàu, cho biết ngoài vấn nạn các quán ăn “chặt chém”, “cò” nhà nghỉ, khách sạn..., ở khu vực Bãi Sau có một nhóm người đóng giả khách du lịch để vào nhà nghỉ, khách sạn trộm tài sản du khách. Tuy nhiên, những tai tiếng về nạn “chặt chém”, hành hung khách hàng của vài cá thể kinh doanh nhỏ lẻ trước đó, tình trạng nhếch nhác tại một số bãi tắm cũng khiến nhiều người chùn chân khi cóýđịnh đến Vũng Tàu du lịch.

Chọn quán nào, ăn món gì, giá bao nhiêu, nghỉ ở đâu, đi tham quan điểm nào, tắm bãi nào an toàn...? Những vấn đề tưởng chừng như đơn giản lại hóa ra phức tạp khi các thông số về nội dung này gần như “trắng” trên các kênh thông tin về du lịch địa phương của BR-VT.

Thiếu thông tin, mất khách đã đành; tệ hơn nữa, thông tin sai lệch bởi sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp du lịch còn đưa đến một hậu quả khôn lường: mất tên tuổi, thương hiệu của cả một ngành du lịch cónhiều tiềm năng.

Thời gian gần đây, những thông tin bất lợi về du lịch BR-VT vẫn ngấm ngầm đây đó, khiến nhiều du khách thích du lịch biển thay vì chọn Vũng Tàu, Long Hải, Hồ Cốc... đã chuyển hướng mua tour du lịch đến các tỉnh khác.

Khá nhiều khách tỏ ra lo ngại với những luồng tin: sứa độc gây dị ứng toàn thân khi tắm biển, ao xoáy gây chết người, cuối tuần khách sạn tăng giá gấp 2 -3 lần ngày thường, nhà hàng lừa khách ăn cá hồng tính tiền cá mú, tàu cánh ngầm xuống cấp nhưng liên tục tăng giá vé và tự động hủy chuyến hoặc thậm chí bỏ khách cả ngày trên biển vì hỏng máy mà không một lời xin lỗi...

Ngoài ra, có một thực tế du khách ngày càng có kiến thức và kỹ năng đi du lịch. Du khách đi theo đoàn đã biết chọn thời điểm đăng ký tour sớm và chọn những địa chỉ du lịch tin cậy. Với những du khách lẻ, họ biết tiết kiệm chi tiêu, chọn dịch vụ vừa túi tiền và chất lượng phục vụ tốt. BR-VT đang đối mặt với nguy cơ mất dần khách du lịch, nhất là khách có khả năng chi tiêu cao. 

Thời gian qua các hộ kinh doanh “chặt chém” du khách đã làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu du lịch của TP.Vũng Tàu. Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Vũng Tàu rất bức xúc và quyết định công khai danh sách “đen” các đơn vị kinh doanh trên để du khách biết. Bản thân tôi rất kiên quyết chống tình trạng này. Từ khi thành phố công bố danh sách “đen” của 7 đơn vị kinh doanh “chặt chém” thì tôi đã nhận nhiều tin nhắn khủng bố, đe dọa giết chết nhưng vẫn phải đề nghị xử lý quyết liệt những quán ăn này. Trước thực trạng trên, UBND TP.Vũng Tàu đã thành lập các đội “phản ứng nhanh”. Nhiệm vụ của các đội này là kiểm tra, xử lý nhanh khi nhận thông tin của du khách phản ánh các quán ăn, nhà nghỉ “chặt chém”. (Bà TRƯƠNG THỊ HƯỜNG - Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu)

Yến Nhi

 

Nguồn: Báo Văn hóa