Khu phố cổ Hà Nội nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm luôn được coi là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Vậy nhưng, hoạt động du lịch trong khu vực này thời gian qua chưa xứng với tiềm năng sẵn có.
Làm thế nào để khơi dậy tiềm năng du lịch của khu phố cổ, giữ chân ngày càng nhiều khách du lịch tại đây luôn là nỗi băn khoăn của chính quyền quận Hoàn Kiếm, cũng như của ngành du lịch Hà Nội.
Tiềm năng du lịch dồi dào
Với chiều sâu văn hóa, lịch sử mang đậm dấu ấn của chốn Kinh kỳ; người ta ví khu phố cổ như một phần linh hồn của Hà Nội. Nếu như trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 188 di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng, thì riêng trong khu vực phố cổ có tới 121 di tích. Trong đó, có một số di tích tiêu biểu như đền Bạch Mã, một trong Tứ Trấn của kinh thành Thăng Long; ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, đình Kim Ngân, đền Quán Ðế, các nhà thờ Tổ nghề... Nơi đây còn nổi tiếng với các phố nghề truyền thống như phố Hàng Bạc với nghề chế tác, buôn bán kim hoàn; phố Hàng Mã với nghề hàng mã, phố Lãn Ông với nghề chế biến thuốc đông nam dược, phố Hàng Thiếc với nghề gò thiếc; phố Hàng Ðồng với nghề chế tác đồ đồng... Kiến trúc nhà ở tại khu phố cổ mang nét đặc trưng, với dạng nhà ống, mái ngói nghiêng, được xây dựng cách đây hàng trăm năm, tạo ra nét trầm mặc, cổ kính. Khu vực phố Tạ Hiền, Lương Ngọc Quyến, Ðào Duy Từ, Cầu Gỗ... là nơi quy tụ nhiều nhà hàng ẩm thực của người Hà Nội, lúc nào cũng tấp nập thực khách. Ngoài ra, phong cách sống, cách đối nhân xử thế thanh lịch của những người dân phố cổ cũng là những giá trị nhân văn đáng quý, mà hiếm nơi nào có được.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, hầu hết khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế, mỗi khi đến Hà Nội, đều lựa chọn tua tham quan phố cổ. Hiện nay, để khám phá phố cổ, khách du lịch thường chọn hình thức đi bộ hành, hoặc sử dụng xe điện, xích-lô để phù hợp giao thông trong khu vực này, đồng thời tạo sự thoải mái trong hành trình khám phá những nét riêng của từng con phố. Cũng để thuận lợi trong việc đưa đón, phục vụ khách tham quan, hàng loạt công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng ăn uống, cửa hàng bán đồ lưu niệm trong khu phố cổ được hình thành. Tuy nhiên, trên thực tế, với những lợi thế đó nhưng du lịch phố cổ chưa thật sự hấp dẫn so với tiềm năng vốn có; nhất là công tác tổ chức, quản lý hoạt động du lịch còn hạn chế. Việc phát triển du lịch chủ yếu mới dựa vào khai thác tiềm năng sẵn có, chứ chưa đầu tư để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc.
Phó ban Quản lý phố cổ Hà Nội Phạm Tuấn Long cho biết, mới đây, Ban quản lý phố cổ phối hợp sinh viên Trường đại học Pa-ri (Pháp) tổ chức khảo sát nhu cầu của khách du lịch thông qua 80 công ty du lịch hàng đầu Việt Nam. Kết quả cho thấy, hầu hết khách du lịch đến với phố cổ Hà Nội vì tò mò và ít quay trở lại. Nguyên nhân là các phố nghề còn rất ít và đã mai một. Nhiều tuyến phố bày bán hàng hóa nhập khẩu, giao thông trong khu phố cổ đông đúc, không an toàn; vệ sinh môi trường, trật tự công cộng chưa bảo đảm, sản phẩm du lịch nghèo nàn, đội ngũ hướng dẫn viên thiếu chuyên nghiệp...
Làm thế nào để trở thành điểm đến hấp dẫn?
Ðược sở hữu một di tích có giá trị, trong khi đó việc khai thác chưa phát huy được giá trị vốn rất phong phú của phố cổ. Làm thế nào để khơi dậy được tiềm năng của phố cố, để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách là vấn đề mà chính quyền quận Hoàn Kiếm và ngành du lịch Hà Nội luôn trăn trở.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Cao Bích Lan cho biết, quận đang đẩy mạnh tuyên truyền đề án Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ để vận động người dân gìn giữ cách giao tiếp, ứng xử văn hóa, có ý thức hơn trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường, kinh doanh đúng pháp luật; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân... Ðể thực hiện đề án trên, quận đã tuyên truyền, vận động, phát 250 nghìn tờ gấp đến từng hộ gia đình, các cửa hàng, cửa hiệu trên địa bàn, ký cam kết với từng hộ gia đình yêu cầu thực hiện các nội dung của đề án. Thời gian tới, quận sẽ phối hợp cơ quan chức năng tiếp tục cải tạo phố Lãn Ông, triển khai cải tạo mặt đứng tuyến phố Hàng Bạc, triển khai đề án "Khôi phục phố nghề kim hoàn Hàng Bạc", "Mở rộng không gian đi bộ trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm".
Cùng với xây dựng giá trị nhân văn cho người dân khu phố cổ, điều quan trọng hiện nay là tổ chức các tua tuyến du lịch để khám phá nét đặc trưng của phố cổ. Nhiều người cho rằng, với số lượng đa dạng các di tích như vậy, cần lựa chọn ra một vài tuyến tiêu biểu để phục vụ du khách. Ðại diện Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho rằng: "Cần phải tổ chức những tua gắn liền với phố nghề, đình thờ tổ nghề và các làng nghề truyền thống có đình thờ tổ nghề tại khu vực phố cổ, qua đó du khách sẽ thấy rõ sự liên kết của những giá trị văn hóa tại các điểm này với nhau, tạo sự tò mò khám phá cho du khách. Ngoài ra, cần có những chính sách ưu đãi đối với nghệ nhân để thông qua họ truyền tải các giá trị văn hóa đến với du khách".
Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch gợi ý, ngoài việc phát huy giá trị của các điểm du lịch sẵn có, cần tổ chức những không gian công cộng mà ở đó du khách cùng tham gia các hoạt động của người dân. Những khu trình diễn, trưng bày, mua sắm, ẩm thực, hàng lưu niệm, vui chơi giải trí... cần được mở rộng, tạo điểm nhấn kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quận Hoàn Kiếm, đến năm 2016, khu phố cổ sẽ trở thành trung tâm du lịch văn hóa của Hà Nội. Quận Hoàn Kiếm phấn đấu đưa nguồn thu từ thương mại - du lịch trên địa bàn chiếm từ 97% đến 98% cơ cấu kinh tế của quận. Hy vọng với nỗ lực đó, khu phố cổ Hà Nội sẽ trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước trong hành trình khám phá Thủ đô./.