Với tính chất đặc thù của khu vực nông thôn, có thể dùng sức mạnh hợp tác cộng đồng để quản lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn - TS Phạm Khánh Nam, Trưởng khoa Kinh tế Phát triển – Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nói.
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 3.597 làng nghề, trong đó có 1.316 làng nghề được công nhận và 2.281 làng có nghề, tạo việc cho hơn 11 triệu lao động; thu hút 30% lực lượng lao động nông thôn.
Tuy nhiên, báo cáo môi trường quốc gia năm 2008 cũng chỉ ra rằng ô nhiễm môi trường làng nghề làm gia tăng mắc bệnh đang lao động và sinh sống tại chính làng nghề. Vấn đề ô nhiễm ở nhiều làng nghề tồn tại từ lâu, nhưng chưa có biện pháp khắc phục và giải quyết hiệu quả, dẫn đến việc ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, của cộng đồng dân cư.
Theo ông Nguyễn Trung Việt, Sở Tài nguyên&Môi trường TP Hồ Chí Minh, chất lượng môi trường và cuộc sống đang giảm sút do sự phát triển thiếu bền vững (sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng không hiệu quả) và do các loại chất thải.
Ở nhiều làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh, nhất là nhóm người trong độ tuổi lao động, đang có xu hướng tăng cao. Ở một số làng nghề có mức độ ô nhiễm cao thì tuổi thọ trung bình giảm, thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc và thấp hơn từ 5-10 năm so với làng không làm nghề.
“Các thành tựu đạt được về xóa đói giảm nghèo, sức khỏe cộng đồng và vệ sinh môi trường do quá trình phát triển kinh tế và xã hội mang lại trong nhiều năm qua có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn do ô nhiễm môi trường”, theo ông Việt.
Từ nhận định trên, ông Nam chỉ ra rằng cơ sở gây ô nhiễm nằm trong khu vực dân cư, với một lượng phát thải sẽ tạo ra chi phí thiệt hại cho xã hội lớn hơn nhiều lần so với cùng lượng phát thải đó nếu thải ra khu vực thưa thớt dân cư.
“Giải bài toán ô nhiễm môi trường nông thôn rất khó, do tính chất đặc thù của khu vực nông thôn”, TS Nam nói.
Đầu tiên phải kể đến là ô nhiễm phân tán do nguồn phát thải nhỏ lẻ, do đó vấn đề kiểm tra, đo lường ô nhiễm sẽ gặp khó khăn, chi phí hành chính cao.
Thứ hai, người giải bài toán môi trường luôn phải xem xét vấn đề nghèo đói và thu nhập thấp ở nông thôn. Chính sách môi trường cứng nhắc có thể làm trầm trọng thêm vấn đề nghèo đói và từ đó quay trở lại tác động xấu đến môi trường.
Thứ ba, nông thôn có những quy tắc xã hội riêng, trong nhiều trường hợp có thể có hiệu lực mạnh hơn cả những quy định luật pháp, như câu thành ngữ “phép vua thua lệ làng”. Điều này có thể làm tăng hoặc giảm hiệu lực của các công cụ bảo vệ môi trường của nhà nước.
“Với những tính chất đặc thù của vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, theo tôi có thể phát triển cách quản lý cộng đồng (mà Elinor Ostrom, người được giải Nobel kinh tế học năm 2009, cổ súy), dùng sức mạnh hợp tác cộng đồng để quản lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn”, ông Nam nói.
Ngoài ra, về lâu dài, có thể kết hợp thêm các công cụ có tác dụng khuyến khích hành vi kinh tế như thuế, phí hay trợ cấp môi trường.