Phú Quý là huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận, nằm cách đất liền 120 km, với diện tích tự nhiên khoảng 17 km2. Hàng năm, do thời tiết khắc nghiệt, sóng to nên nhiều khu vực xung yếu trên đảo thường xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng những khu vực xung yếu.
Bên cạnh đó nguồn nước ngọt trên đảo cũng ngày càng bị nhiễm mặn. Vì vậy, việc trồng cây phủ xanh cho đảo, nhất là trên các bãi bồi ven biển, tạo các đai rừng chắn sóng, hạn chế xói lở và giữ nguồn nước ngầm đang là vấn đề rất được quan tâm.
Ông Huỳnh Văn Hưng, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết: Trước đây, trên đảo hầu như chỉ là đồi trọc và chỉ có các loại cây như: dứa dại, bã đậu, mù u mọc tự phát. Từ các chương trình dự án hỗ trợ trồng rừng của trung ương và địa phương, đến nay diện tích rừng của Phú Quý đã đạt hơn 500 ha, tán che phủ trên toàn đảo đạt gần 50% . Trạm Nông Lâm nghiệp huyện Phú Quý đã tổ chức gieo ươm cây giống tại chỗ thay cho việc vận chuyển cây giống từ đất liền về đảo; số lượng gieo ươm năm sau nhiều hơn so với năm trước, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trồng cây của các tổ chức, cá nhân trên toàn huyện. Từ đầu năm đến nay, Trạm Nông Lâm nghiệp huyện đã gieo ươm được 35.000 cây cây giống tại chỗ, chủ yếu là cây phi lao, xà cừ, bạch đàn; trồng tại các vùng trọng yếu của đảo được 16.000 cây.
Đáng chú ý, Trạm Nông Lâm nghiệp đã trồng được 5.000 cây đước tại những vùng ngập mặn ven biển Lạch dù, Hòn Tranh và Lỗ Sâu thuộc địa bàn xã Tam Thanh. Tuy Trạm mới trồng thử nghiệm cây ngập mặn ở đảo, nhưng tỉ lệ cây đước sống đạt trên 70%. Hiện Trạm Nông Lâm nghiệp tiếp tục thi công, mở rộng diện tích trồng cây nhằm tạo môi trường sinh thái trên các bãi đá ven biển, hình thành dãy cây xanh chắn sóng và tạo điều kiện cho các loài sinh vật biển trú ngụ, sinh trưởng.
Theo ông Huỳnh Văn Hưng, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, bên cạnh trồng rừng tập trung, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng được nhân dân trên đảo tích cực hưởng ứng, chuyển từ cây ngắn ngày sang trồng cây dài ngày, cây ăn quả lâu năm, góp phần tăng diện tích của rừng trên đảo. Phát triển rừng trên đảo là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ước tính đến năm 2020, dân số trên đảo khoảng 30.000 người, cần một lượng lớn nước ngọt ngầm đủ để cung cấp sinh hoạt cho số dân sống trên đảo, nếu không tích cực trồng rừng phủ xanh cho đảo hàng năm để giữ lượng nước ngọt ngầm thì nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt sẽ ngày càng cạn kiệt.