Hà Nội có trên 100 hồ lớn nhỏ, điển hình như Hồ Tây, Bảy Mẫu, Hoàn Kiếm, Trúc Bạch, Ngọc Khánh… và các con sông Tô Lịch, Sét, Lừ, Kim Ngưu và sông Hồng, sông Nhuệ chảy qua, bao bọc lấy thành phố.
Hồ Hà Nội mang trong mình những giá trị về cảnh quan môi trường, danh lam thắng cảnh, lịch sử, nhân văn vô cùng quan trọng.
Với không gian xanh và mặt nước đáng kể, các hồ Hà Nội sẽ đóng góp lớn vào việc cải thiện điều kiện khí hậu và cân bằng thiên nhiên cho thành phố với quy mô dân số cũng như mật độ xây dựng ngày càng tăng.
Hệ thống hồ đóng góp vào việc tạo dựng một khu vực cảnh quan phong phú, đa dạng, vừa có tính nhân tạo, vừa có tính tự nhiên hấp dẫn đối với dân cư đô thị, cũng như du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, việc bảo vệ, sử dụng bền vững hồ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, cũng như cách tiếp cận trong quản lý, bảo vệ hồ.
Thách thức và rào cản
Hồ đô thị - một công cụ thích ứng với biến đổi khí hậu, đang chịu tác động của quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Diện tích ao, hồ bị san lấp, lấn chiếm, chuyển đổi để xây dựng công trình và nhà ở. Mặt nước sông, hồ bị ô nhiễm trầm trọng do nước thải phần lớn chưa được xử lý đổ vào từ đa số các khu dân cư, khu công nghiệp, công viên, bệnh viên và hơn 1.000 làng nghề…
Rào cản lớn nhất hiện nay chính là nhận thức và hành động ứng xử với hồ chưa song hành. Một mặt, mọi người đồng thuận rất cao trong việc bảo vệ hồ, nhưng sự thống nhất trong hành động còn hạn chế.
Ví dụ như năm nào cũng có các bài báo bức xúc trong ngày ông công ông táo, nhưng nhiều gia đình vẫn bỏ bàn thờ, bát hương đã sử dụng vào hồ, tích lũy dần làm hồ ngày càng nông, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bảo tồn hệ sinh thái hồ.
Trên quan điểm tiếp cận hệ sinh thái, bà Vũ Minh Hoa, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng việc sử dụng hồ mang tính tự phát, vì lợi ích cục bộ mà không có ưu tiên, không có tính quy hoạch.
Việc này dẫn tới thực tế một số hồ được sử dụng theo các mục đích mâu thuẫn nhau giữa việc chống ngập úng và sự tồn tại của các sinh vật thủy sinh, làm tăng mức độ ô nhiễm nước, gây chết cá hàng loạt, mất mỹ quan khu vực, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người dân.
Ở các nước phát triển, mỗi bờ sông, hồ nước đều được chăm sóc bãi cỏ, vườn hoa sạch sẽ và đầu tư nhiều thiết bị vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi thư giãn, tập thể thao với mục đích tăng cường sức khỏe người dân.
Ở Việt Nam, giá trị đặc biệt của hệ thống hồ đối với sức khỏe người dân thành phố còn bị bỏ ngỏ, mọi hoạt động của người dân nơi đây đều mang tính tự phát. Giá trị của hệ thống hồ như là nơi nghiên cứu, giáo dục về bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng sinh học cũng chưa được tận dụng.
Bảo vệ hồ bắt đầu từ cộng đồng dân cư
Một quan điểm mới đang đặt ra là bảo vệ hồ Hà Nội nên bắt đầu từ cộng đồng dân cư. Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hồng Thục, Viện nghiên cứu định cư cho rằng hồ có thể là tài sản riêng của cộng đồng. Mỗi cộng đồng quản lý hồ có thể lập quy chế riêng. Người đứng đầu tổ chức quản trị hồ do các thành viên của cộng đồng bầu lên.
Có thể mạnh dạn trao hệ thống hồ cho cộng đồng đô thị hoặc dân làng ven đô tự quản, coi hồ thuộc sở hữu tập thể. Việc trao quyền quản trị hồ cũng kế thừa truyền thống lịch sử của làng xã Việt Nam.
hực tế đã có những mô hình thành công nhờ sự tham gia của người dân. Bà Nguyễn Thị Cử, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) cho rằng khi có yếu tố đoàn kết, chung tay của cộng đồng và chính quyền cơ sở, hồ, không gian công cộng sẽ tránh được những hoạt động tiêu cực vì lợi ích cá nhân. Bằng hành động nhỏ, tự cộng đồng có thể làm cho môi trường sống của mình tốt đẹp hơn.
Theo bà Cử, trung tâm phường có hồ Giáp Bát, phường đã xây dựng “Bia tưởng niệm liệt sỹ phường,” còn lại khoảng sân 400m2 để hàng ngày bà con ra tập thể dục. Mặc dù có vị trí đẹp, thoáng mát, nhưng do Chủ đầu tư chưa bàn giao cho địa phương nên khoảng sân thường xuyên bị sử dụng tùy tiện, sân trở nên ô nhiễm do rác thải tự phát, tràn cả xuống hồ, bốc mùi khó chịu…
Hội Phụ nữ phường cùng câu lạc bộ sống Xanh đã đứng ra tổ chức, vận động cộng đồng cùng kiến nghị Ủy ban Nhân dân phường để được tự cải tạo lại khu vực sân chơi với sự hỗ trợ của Trung tâm Hành động vì Sự phát triển của đô thị.
Với kinh phí gần 74 triệu đồng huy động từ cộng đồng và một số tổ chức, sân chơi được hoàn thành. Phường giao cho cộng đồng trách nhiệm bảo quản công trình.
Kinh nghiệm từ Mỹ
Ông Harry McQuillen, Cục quản lý Đất Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm 139 năm bảo vệ, sử dụng bền vững hồ Tahoe (California) có sự tham gia của người dân.
Hồ Tahoe bắt đầu từ một đống hỗn độn với nạn đãi vàng, bạc, phá rừng, quá trình đô thị hóa nhanh. Lúc đầu người dân thất vọng về sự phá hủy rừng quanh hồ Tahoe bởi ngành công nghiệp gỗ, sau đó người dân sáng lập Tổ chức Bảo tồn rừng hồ Tahoe, 4 lần người dân nỗ lực thuyết phục Quốc hội Mỹ xây dựng một công viên quốc gia đều thất bại.
Nhưng theo dòng chảy của thời gian, ngoài các luật, chương trình quốc gia, đạo luật, chương trình địa phương, người dân thể hiện vai trò rất lớn. Họ thành lập Nhóm Bảo vệ hồ Tahoe từ năm 1957 với cam kết bảo vệ, khôi phục và quảng bá lưu vực hồ.
Sau đó, hàng loạt tổ chức, quỹ được thành lập như Tổ chức Bảo tồn Tahoe California, Quỹ Tahoe, Trung tâm nghiên cứu môi trường Tahoe, Chương trình giám sát nhiều bên hồ Tahoe nhằm bảo tồn, bảo vệ, khôi phục, nâng cao và duy trì các nguồn tài nguyên quan trọng, độc đáo, các cơ hội nghỉ dưỡng ở lưu vực hồ; hỗ trợ nâng cao tài nguyên môi trường đặc biệt của lưu vực hồ; nghiên cứu, giáo dục và truyền thông về hồ; diễn đàn cho mọi người chia sẻ ý tưởng và thảo luận các vấn đề liên quan đến chất lượng nước lưu vực hồ.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là bảo vệ các vùng đất xung quanh hồ mọi lúc, mọi nơi và mọi cách có thể. Nếu bảo vệ không là một phương án thì hạn chế số lượng hạ tầng cơ sở gần hồ hoặc sử dụng các vùng đệm xanh để bảo vệ bờ hồ và chất lượng nước. Không có bất kỳ chất thải công nghiệp hoặc sinh hoạt chưa xử lý được thải vào hồ.
Chính quyền địa phương yêu cầu người dân tham gia và chủ động giải quyết vấn đề bắt đầu với những điều cơ bản, như không được phép trồng các loài cỏ ngoại lai và sử dụng thùng rác là phương án dễ nhất trên thế giới./.