Kết hợp hài hoà giữa bảo tồn, phát huy văn hoá dân tộc Chăm và phát triển du lịch

Cập nhật: 11/07/2012
Ngày 19/6/2012, tại Cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo Ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận 2012 đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lần thứ nhất. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Ngày hội.

Sau khi nghe Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Ngày hội báo cáo công tác chuẩn bị, dự thảo Chương trình tổng thể của Ngày hội và ý kiến của các thành viên dự họp, Thứ trưởng đã thống nhất nguyên tắc làm việc của Ban Chỉ đạo Ngày hội:

Cụ thể, Ban Chỉ đạo định hướng, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các vấn đề quan trọng của Ngày hội theo Chương trình, kịch bản được phê duyệt, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu của Ngày hội. Trong quá trình triển khai có những vấn đề cần xin ý kiến của Ban Chỉ đạo, đề nghị Ban Tổ chức có văn bản xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo, sau 05 ngày các thành viên gửi ý kiến, nếu cơ bản các ý kiến thống nhất Ban Tổ chức trình Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định. Trường hợp còn nhiều ý kiến khác nhau, Trưởng Ban Chỉ đạo sẽ xem xét, quyết định triệu tập cuộc họp Ban Chỉ đạo.

Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo chủ động hỗ trợ Ban Tổ chức trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách. Ban Chỉ đạo tổ chức phiên họp lần thứ 2 trước 10 ngày diễn ra Lễ Khai mạc Ngày hội (khoảng từ 24-25/9/2012).

Về Chương trình tổng thể của Ngày hội: Thứ trưởng yêu cầu chung: Việc tổ chức Ngày hội phải ấn tượng, thiết thực, tiết kiệm, phù hợp, tôn trọng phong tục tập quán của các dân tộc, không áp đặt; Kết hợp hài hoà giữa bảo tồn, phát huy văn hoá dân tộc Chăm và phát triển du lịch, kinh tế-xã hội của địa phương; đảm bảo có sự tham gia trực tiếp của chủ thể văn hoá, đặc biệt là các nhà nghiên cứu văn hoá Chăm, nhân sỹ, trí thức dân tộc Chăm.

Về quy mô, địa điểm tổ chức: Thống nhất như dự thảo Chương trình tổng thể của Ngày hội, đề nghị bổ sung một số tỉnh/thành tham gia với tư cách khách mời.

Về thời gian: Thống nhất tổ chức 02 ngày 03 đêm trước 01 ngày lễ katê truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm.

Về nội dung hoạt động: gồm 6 hoạt động chủ yếu: Lễ khai mạc gắn với Chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc Chăm; Giới thiệu văn hoá ẩm thực dân tộc Chăm; Hội thảo bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc Chăm; Hội chợ - Triển lãm; Thi đấu thể thao dân tộc; Chương trình giới thiệu tiềm năng, quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch tại các di sản văn hoá của dân tộc Chăm. Các hoạt động có sự gắn kết với lễ katê truyền thống của dân tộc Chăm và các hoạt động tham quan, du lịch.

Về công tác quảng bá, tuyên truyền về Ngày hội: Tổ chức Họp báo 3 lần, tổ chức tại: Thủ đô Hà Nội tháng 7/2012; Thành phố Hồ Chí Minh tháng 8/2012; tại Ninh Thuận trước 15 ngày diễn ra Ngày hội.
Thống nhất đề nghị truyền hình trực tiếp Lễ khai mạc trên sóng Đài truyền hình Việt Nam: VTV1, VTV2, VTV4 và tổ chức quay phim tư liệu, phóng sự  phản ánh Ngày hội. Đồng thời, công tác quảng bá, tuyên truyền phải thực hiện ấn tượng, phong phú, tôn trọng phong tục, tập quán, chữ viết của dân tộc Chăm.

Về kế hoạch, tiến độ chung: Tháng 7/2012 hoàn thành các thủ tục, phê duyệt chương trình, kịch bản. Tháng 8, 9/2012 triển khai chuẩn bị tổ chức theo kế hoạch, chương trình được duyệt.

Thứ trưởng giao Ban Tổ chức chủ động họp theo nhu cầu công việc, hàng tháng báo cáo Ban Chỉ đạo tiến độ thực hiện bằng văn bản, thành lập và điều hành các tiểu ban theo thẩm quyền. Tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung chủ đề Ngày hội, nội dung Chương trình tổng thể, xây dựng kịch bản, chương trình chi tiết của 6 nội dung hoạt động, khái toán toàn bộ kinh phí Ngày hội theo góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo và Kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo, hoàn thành trước ngày 15/7/2012, gửi lấy ý kiến góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, trình lãnh đạo Bộ xem xét phê duyệt trước ngày 30/7/2012.

Đồng thời liên hệ các thủ tục về truyền hình trực tiếp, xin phép bắn pháo hoa theo quy định trước 05/8/2012; đề xuất cụ thể thời gian tổ chức Ngày hội trên cơ sở Chăm lịch 2012.

Các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL chủ động lập kế hoạch chi tiết và thực hiện theo Kế hoạch tổng thể được phê duyệt, giao Cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối thường trực, tổng hợp, điều phối nội dung tham gia của các đơn vị thuộc Bộ.

Giao Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc Chăm từ nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2012. Cử đại diện lãnh đạo tham gia Ban Tổ chức gửi Vụ Văn hoá dân tộc trình lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.

Giao Văn phòng Bộ chủ trì tổ chức họp báo lần 1 tại Thủ đô Hà Nội từ nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2012; hướng dẫn Ban Tổ chức thủ tục xin phép bắn pháo hoa theo quy định.

Giao Tổng cục Du lịch chủ trì Chương trình giới thiệu tiềm năng, quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch tại các di sản văn hoá của dân tộc Chăm. Xây dựng kế hoạch, phối hợp với Ban Tổ chức quảng bá và hướng dẫn các doanh nghiệp lữ hành để xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch tham dự Ngày hội.

Yêu cầu địa phương đăng cai - tỉnh Ninh Thuận: đề nghị tiếp tục chuẩn bị các điều kiện về nội dung, vật chất, kỹ thuật đảm bảo tổ chức Ngày hội, thành lập các tiểu ban để trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. các tỉnh/thành tham gia: xây dựng kế hoạch tham gia Ngày hội phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương.

Ngày hội VHTTDL vùng đồng bào dân tộc Chăm sẽ được tổ chức 3 năm/lần. Giao Vụ Văn hoá dân tộc hướng dẫn tỉnh An Giang thực hiện các thủ tục xin đăng cai tổ chức Ngày hội VHTTDL vùng đồng bào dân tộc Chăm lần III - 2015, tổng hợp, báo cáo lãnh đạo bộ xem xét quyết định.

HCTC
(Nguồn Thông báo số 2221/TB-BVHTTDL)