Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC CNĐĐV) được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới CVĐC toàn cầu năm 2010, điều đó mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển của vùng đất này, trong đó có việc phát huy tiềm năng du lịch – dịch vụ.
Tuy nhiên, để tận dụng được tiềm năng, lợi thế này, điều mà các CVĐC trên thế giới, trong đó có CVĐC gần chúng ta nhất là Langkawi của Malaysia đang làm được, đòi hỏi không ít nỗ lực.
Khác với các CVĐC trên thế giới, CVĐC CNĐĐV hội tụ tổng hòa các giá trị di sản địa chất, di sản sinh học, văn hóa, lịch sử. Đây chính là yếu tố được rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước khẳng định là lợi thế lớn cho việc phát triển các hoạt động du lịch. Xác định được lợi thế, tiềm năng lớn đó, thời gian qua Hà Giang đã và đang rất nỗ lực vừa xây dựng, bảo tồn các giá trị của CVĐC, vừa tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển du lịch – dịch vụ phục vụ cho việc phát triển du lịch CVĐC. Trong đó, đáng kể nhất là việc xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị CVĐC CNĐĐV giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến 2030 để trình Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm quốc gia trong năm 2012. Cùng với đó, Ban quản lí CVĐC CNĐĐV đã và đang nỗ lực phối hợp với các chuyên gia triển khai các lớp tập huấn xây dựng chiến lược kế hoạch hành động du lịch CVĐC để đáp ứng đủ các tiêu chí bắt buộc của Mạng lưới CVĐC toàn cầu; liên kết các công ty, tổ chức trong lĩnh vực du lịch nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch CVĐC...
Nắm bắt cơ hội, thời gian qua đã có không ít sự đầu tư cho du lịch CVĐC. Qua đó, hệ thống cơ sở lưu trú từ khu vực thành phố Hà Giang đến CVĐC CNĐĐV đã và đang hình thành nên nhiều khách sạn có quy mô. Đặc biệt là khu vực CVĐC, có những khách sạn có chất lượng được đưa vào sử dụng tại Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc... Cùng với đó, giao thông từ Hà Nội đến Hà Giang đã được cải thiện đáng kể với chất lượng các phương tiện được nâng lên, rút ngắn thời gian đến Hà Giang. Theo giáo sư Guy Martini, thành viên điều phối viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu, chúng ta đang có một dịch vụ vận tải hành khách Hà Giang – Hà Nội khá chất lượng, nhưng vẫn chưa biết cách quảng bá. Đây là tuyến có nhiều xe khách mới được đầu tư, có hệ thống giường nằm và đặc biệt là rất nhiều chuyến chạy đêm. Điều này rất phù hợp với điều kiện du lịch của Hà Giang khi du khách lên xe đêm, có giường nằm, như vậy sẽ tiết kiệm được 1 đêm nghỉ, 1 ngày đi lại giữa Hà Nội – Hà Giang. Từ đó có thể nói, cùng với hiệu ứng CVĐC, các dịch vụ, các tua tuyến ngày càng được cải thiện, giúp cho lượng du khách đến với Hà Giang ngày càng tăng. Năm 2011, dù nền kinh tế toàn cầu đang gặp những khó khăn, nhưng lượng khách đến với Hà Giang đạt 330 ngàn lượt, tăng 9,5% so với năm 2010, qua đó đưa doanh thu du lịch ước đạt gần 340 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm trước.
Bên cạnh những dấu hiệu tích cực của việc tăng trưởng du lịch CVĐC thời gian qua, thực tế cũng đang đặt ra những thách thức đối với sự phát triển của du lịch CVĐC. Có thể thấy, một số dự án, công trình triển khai ở khu vực CVĐC thời gian qua khiến cho kiến trúc, cảnh quan của CVĐC bị ảnh hưởng ít nhiều. Vấn đề khai thác đá để làm vật liệu xây dựng hay lấy mặt bằng để xây dựng các công trình, tình trạng phá rừng, gây ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học là vấn đề rất đáng lưu tâm dù chúng ta đã và đang có rất nhiều biện pháp ngăn chặn. Đồng chí Ma Ngọc Giang, Phó trưởng Ban quản lí CVĐC CNĐĐV cho biết, kiến trúc truyền thống tại các làng, bản trên Cao nguyên đá đang bị thay đổi ít nhiều khi những ngôi nhà mới xây thường là những ngôi nhà làm theo phong cách hiện đại, xây bằng gạch, lợp mái tôn, khác với truyền thống là nhà trình tường, nhà gỗ, mái ngói đất nung... Tại phố chợ cổ Đồng Văn, một điểm đến khá hấp dẫn thì sau khi xây dựng, di dời chợ đi chỗ khác nó đã dường như mất đi cái hồn. Trên cơ sở đó, cần phải có những tính toán kỹ trước khi có sự tác động đến CVĐC.
Trong một hội nghị bàn về thực trạng CVĐC CNĐĐV, kế hoạch hành động chiến lược đến 2013, giáo sư Guy Martini đã nêu lên bản báo cáo mà ông và các thành viên của Văn phòng Mạng lưới CVĐC toàn cầu thông qua, đó là muốn phát triển CVĐC và phát triển du lịch bền vững, cần phải bảo vệ tính nguyên bản của kiến trúc địa phương, trong đó cần nghiên cứu, điều chỉnh Chương trình 30a cho phù hợp với địa phương; nên cải thiện thủ tục ra vào vùng CVĐC bởi đây là một rào cản lớn đối với khách nước ngoài khi muốn ra vào vùng biên giới; bảo vệ cảnh quan di sản trước các tác động như khai thác đá vôi, khai khoáng, các công trình xây dựng... Trên cơ sở đó, giáo sư Guy Martini đưa ra khuyến nghị, cần nâng cao nhận thức, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; giảm thiểu các trở ngại đối với việc phát triển du lịch CVĐC như thủ tục hành chính. Đầu tư, giảm thời gian từ Hà Nội đi CVĐC, nâng cao chất lượng an toàn giao thông trên vùng CVĐC bởi hệ thống giao thông trên địa bàn đang xuống cấp. Không nên mở rộng đường vì sẽ ảnh hưởng đến CVĐC mà chỉ cần trải nhựa và xây dựng hệ thống lan can vảo vệ chắc chắn; cần xây dựng tua du lịch kết hợp giữa địa chất với du lịch mạo hiểm; xây dựng một chiến lược phát triển du lịch tổng thể bao gồm xây dựng cải thiện nguồn lực con người và nâng cao năng lực của ngành du lịch vùng; quy đầu mối quản lí mọi hoạt động trong lĩnh vực du lịch CVĐC tập trung về BQL CVĐC./.