Là địa bàn tập trung nhiều cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa có giá trị, nhưng thời gian qua, hoạt động du lịch trên địa bàn Hà Nội (mở rộng) vẫn chưa thật sự sôi động, doanh thu từ du lịch còn thấp.
Thành phố đang đầu tư xây dựng ba cụm du lịch trọng điểm nhằm phát huy tiềm năng du lịch khu vực. Hiếm có khu vực nào ở miền bắc nước ta có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như khu vực Hà Tây (cũ). Chỉ cách trung tâm Thủ đô vài chục km, sau một giờ chạy xe, đến Ba Vì, khách du lịch như lạc vào một vùng núi hoang sơ, hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Quanh khu vực này tập trung thắng cảnh như hồ Suối Hai, Ao Vua, Suối Ngà, Suối Tiên.... cùng những khu du lịch nổi tiếng như Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà hay khu du lịch Ao Vua... Mỗi khu du lịch có nét riêng, nhưng đều khai thác vẻ đẹp của cảnh quan rừng núi, kết hợp với suối nước, không gian mặt nước. Khu Khoang Xanh - Suối Tiên là một thí dụ. Khu du lịch nằm giữa thung lũng của dãy núi Ba Vì, ở độ cao 400m so mực nước biển, được bao bọc bởi núi rừng trùng điệp, có dòng Suối Tiên nằm ngay dưới chân núi Tản, cho nên khí hậu quanh năm mát mẻ. Thượng nguồn dòng suối có những dòng thác đẹp như thác Mơ, thác Hoa, thác Tràn, thác Mâm Xôi... Bởi thế, từ nhiều năm nay khu du lịch là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần lý tưởng của người dân Thủ đô.
Dãy Ba Vì không chỉ là nơi có nhiều cảnh đẹp hoang sơ, theo truyền thuyết, đây chính là nơi ngự của Tản Viên Sơn Thánh - vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử của dân tộc ta. Ghi nhớ công ơn của người, nhân dân đã xây dựng đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, hằng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt người đến chiêm bái. Là vùng đất cổ, khu vực Ba Vì, Sơn Tây còn là nơi có nhiều ngôi đình, đền thuộc hàng đẹp nhất nước ta. Chùa Mía là một bảo tàng về nghệ thuật điêu khắc tượng với 267 pho tượng tròn. Ðình Chu Quyến là đỉnh cao của nghệ thuật sử dụng những cột cái, cột con, xà, vì kèo, kẻ bẩy... tạo nên một hệ thống mái đình khổng lồ, mà không dùng một chiếc đinh nào. Hệ kết cấu khung gỗ đồ sộ này là một kho tác phẩm điêu khắc dân gian tinh xảo, miêu tả các cảnh chọi gà, đàn, hát múa dân gian, các họa tiết trang trí linh vật...
Qua vùng núi Ba Vì với nhiều đình, đền, đến núi Sài Sơn (huyện Quốc Oai), du khách được tham quan chùa Thiên Phúc (chùa Thầy)- nơi tu hành của Thiền sư Từ Ðạo Hạnh. Ðến đây, khách du lịch được chiêm ngưỡng nhiều kiến trúc thuần Việt. Nổi bật là tòa thủy đỉnh nổi lên giữa hồ nước rộng, mang một cái tên rất đẹp - hồ Long Chiểu. Từ bờ hồ vào ngôi chùa chính, khách du lịch đi qua hai cây cầu gỗ, mái lợp ngói, một kiến trúc điển hình của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cách chùa Thầy không xa là chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất) với 18 bức tượng La Hán có kích thước lớn, mỗi bức tượng mang một dáng vẻ, sắc thái riêng, được xem là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.
Thiên nhiên ban tặng cho xứ Ðoài nhiều cảnh đẹp kỳ thú. Người xưa đã tôn lên vẻ đẹp của tự nhiên bằng sự tài tình của mình bằng việc dựng lên những kiến trúc hài hòa. "Miền di sản" xứ Ðoài ngoài quần thể chùa Hương nổi tiếng, còn có những ngôi chùa độc đáo khác như chùa Trăm Gian, chùa Trầm (huyện Chương Mỹ). Chùa Trăm Gian được khởi dựng từ đời Lý. Khám phá chùa Trăm Gian là cả một quá trình, bởi ngôi chùa có tới 104 gian lớn, nhỏ; 153 pho tượng. Chùa Hang nằm trong một hang núi lớn. Toàn bộ hệ thống tượng trong chùa đều bằng đá, có nhiều pho tượng được tạc trực tiếp lên vách đá tạo nên vẻ đẹp riêng biệt.
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng thời gian qua, hoạt động du lịch trên địa bàn này vẫn chưa thật sự sôi động, doanh thu từ du lịch còn thấp. Huyện Ba Vì, địa bàn có nhiều khu du lịch nhất tại khu vực này, nhưng doanh thu từ du lịch năm 2011 chỉ đạt 140 tỷ đồng. Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã tạo một hành lang để phát triển du lịch xứ Ðoài. Trong sáu cụm du lịch trọng điểm của Thủ đô, xứ Ðoài sẽ được đầu tư ba cụm du lịch gồm: cụm du lịch Sơn Tây - Ba Vì, cụm du lịch Hương Sơn - Quan Sơn, cụm du lịch Hà Ðông. Chủ trương của ngành du lịch là đẩy mạnh hoạt động kết hợp khai thác du lịch nghỉ dưỡng với du lịch tâm linh, du lịch làng nghề của xứ Ðoài - những điểm mạnh của vùng đất Hà Tây (cũ).
Thành phố sẽ thực hiện những dự án đầu tư vào các khu du lịch này, trong đó chú trọng đầu tư vào những khu di tích tiêu biểu như: khu du lịch văn hóa tâm linh núi Ba Vì, gồm đền Hạ - đền Trung - đền Thượng, khu du lịch sinh thái tổng hợp hồ Suối Hai, công viên sinh thái Vườn Quốc gia Ba Vì (huyện Ba Vì); điểm du lịch văn hóa tổng hợp Chùa Trầm (huyện Chương Mỹ); điểm du lịch tâm linh tín ngưỡng Chùa Thầy, khu du lịch vui chơi giải trí Tuần Châu (huyện Quốc Oai), điểm du lịch làng nghề mây- tre- đan Phú Vinh, điểm du lịch làng nghề dệt lụa Vạn Phúc... Song song với đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch, thành phố đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông khu vực. Những tuyến đường như Ðại lộ Thăng Long, đường 32... cùng nhiều tuyến đường khác đã và đang dần được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện để du lịch ở vùng đất núi Tản, sông Ðà phát triển tương xứng với tiềm năng./.