Thừa Thiên Huế: Sức hút từ chiều sâu văn hóa và giá trị di sản

Cập nhật: 06/08/2012
3.000 tỷ trong sáu tháng đầu năm 2012 là con số ấn tượng ngành du lịch Thừa Thiên Huế đạt được từ việc liên kết yếu tố “động” và “ tĩnh” trong các sản phẩm du lịch mang chiều sâu văn hóa và giá trị di sản. Sản phẩm du lịch “độc quyền”

Với sự phối kết hợp giữa các sản phẩm du lịch mang yếu tố văn hóa –di sản “tĩnh” -“động”, ngành du lịch Huế đã tạo được thương hiệu riêng, khẳng định vị thế điểm đến thật sự độc đáo và hấp dẫn của mình.

Các sản phẩm du lịch “ tĩnh” là những sản phẩm mang yếu tố kiết trúc, điển hình là Quẩn thể di tích Cố đô Huế đã được tổ chức USNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Thời gian gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang phấn đấu gắn các giá trị văn hóa vật thể với giá trị văn hóa phi vật thể theo hình thức biến các “sản phẩm tĩnh” hòa cùng các “sản phẩm động” để hình thành nên những sản phẩm du lịch văn hóa mới lạ, chất lượng cao, hấp dẫn.

Một ví dụ cho sự kết hợp độc đáo này chính là hình thức du lịch văn hóa khác nhau từ chiếc thuyền cung đình “sơn son thếp vàng” có thể chở cùng lúc 120 người, cùng lúc vừa có thể thưởng thức nghệ thuật ẩm thực vừa xem biểu diễn Nhã nhạc Huế, uống trà nghe ca Huế tại bến Phu Văn Lâu, nghe ca Huế trên sông Hương, Đêm hoàng cung ở Đại Nội, Cơm cung đình...

Đặc biệt, với mục tiêu lấy quần thể kiến trúc cố đô Huế làm trọng tâm, nhã nhạc cung đình làm yếu tố phụ trợ chính, tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm nên các không gian diễn xướng đặc sắc giới thiệu lại cho công chúng, du khách các lễ, tế xưa của triều Nguyễn đã được phục dựng nguyên bản như lễ tế Xã tắc, lễ hội Nam Giao, lễ thi tiến sỹ võ...tại các kỳ Festival. Điều này đã khẳng định được những thành tựu vững chắc trong việc biến di tích thành những sản phẩm văn hóa “sống” trong đó đỉnh cao của nó chính là thương hiệu Festival Huế được tổ chức định kỳ 2 năm một lần được đánh giá mang tầm quốc tế và thành phố Huế đã được Chính phủ phê duyệt là thành phố Festival Việt Nam.

Bên cạnh các sản phẩm du lịch khác như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, đầm phá... thì  du lịch văn hóa và sản phẩm văn hóa “ hai trong một” độc đáo này vẫn luôn được khẳng định là hạt nhân cho ngành du lịch Thừa Thiên Huế hướng tới phát triển bền vững.

Nỗ lực không ngừng tạo “dấu ấn”

Với 20 sự kiện lớn xuyên suốt cả năm, trong đó có 11 sự kiện do Bộ VHTTDL tổ chức, 9 sự kiện do tỉnh tổ chức, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang có nhiều hoạt động chuẩn bị cho Năm du lịch quốc gia Bắc Trung bộ - Huế 2012 dựa vào những thế mạnh văn hóa- du lịch.

Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã xúc tiến nhiều hoạt động quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, như: phối hợp với Tổ chức JICA (Nhật Bản) xây dựng các giải pháp xúc tiến, quảng bá, phát triển thị trường du lịch cho năm 2012 và những năm tiếp theo; hỗ trợ nâng cấp dịch vụ xích lô du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch Huế trong mưa...

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, duy trì đường dây nóng, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng nâng giá, ép giá, nạn đeo bám, chèo kéo khách du lịch… cũng được tỉnh chú trọng nhằm giữ vững môi trường văn hóa, du lịch lành mạnh, góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến cho du lịch Huế.

Tỉnh cũng chú trọng phát triển hạ tầng đến các di tích và tuyến điểm du lịch, kêu gọi đầu tư, kết nối đường bay quốc tế đến Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, kết nối đường biển đến cảng Chân Mây; tập trung hoàn thành một số hạng mục tại các khu du lịch lớn đang được đầu tư tại Huế, xây dựng thương hiệu biển Thuận An, mở rộng thị trường khu vực Đông Bắc Á..., với tổng số vốn đầu tư lên tới 49.000 tỷ đồng.

Tất cả các hoạt động này được tỉnh hướng đến mục tiêu năm 2012 đón được từ 2-2,5 triệu lượt khách du lịch đến tham quan Cố đô Huế, trong đó có từ 40 đến 45% là khách nước ngoài, tạo tăng trưởng du lịch 25% và đóng góp 46-48% GDP toàn tỉnh.

Trong tháng 7 và 8/2012, Thừa Thiên-Huế đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa lớn như Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc và Sao Mai điểm hẹn-Huế 2012. Riêng Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc có số lượng diễn viên, kỹ thuật viên… tham dự đông nhất từ trước đến nay với gần 1.000 người, kéo dài trong hai tuần lễ từ 14 đến 28/7 với 26 vở kịch dự thi của 20 đoàn trong cả nước, thu hút đông đảo lực lượng khán giả và du khách đến tham dự.

Nguồn: Cinet