Đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị khá gần bờ, chỉ cách đất liền chưa đầy 30km, gần những bãi tắm đẹp nổi tiếng như Cửa Việt và Cửa Tùng.
Từ ngoài khơi nhìn lại, đảo Cồn Cỏ như một hòn ngọc xanh tròn trịa nhô lên giữa biển. Các nhà nghiên cứu đánh giá Cồn Cỏ có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan, như một bảo tàng thiên nhiên phong phú, đa dạng.
Màu xanh là màu chủ đạo ở Cồn Cỏ bởi gần 80% diện tích trên đảo là rừng tự nhiên. Mặc dù từng bị chiến tranh tàn phá, nhưng đến nay, rừng nguyên sinh trên đảo Cồn Cỏ vẫn còn gần như nguyên vẹn và thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới quý hiếm trong số các đảo được hình thành bởi núi lửa giữa biển khơi. Dấu vết còn lại của sự hình thành ấy là những thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển cùng với các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò điệp, cát... khiến cho đảo nhỏ thêm duyên dáng và xinh đẹp.
Hệ thực vật trên đảo rất phong phú với nhiều cây cổ thụ to 3-4 người ôm. Một số loài cây lạ không có ở đất liền như loại cây thân vằn, có nhiều đốt, cây "dầu máu" (loại cây gỗ cứng có nhựa đỏ như máu), một số loài khoai dại (lá to hơn lá chuối), cây sâm cau, nhàu nhàu...
Khu vực biển đảo Cồn Cỏ cũng là nơi hội tụ của nhiều hệ sinh thái điển hình vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô được đánh giá đang trong tình trạng rất tốt, đa dạng về thành phần loài, với khoảng 113 loài san hô, đặc biệt là san hô sừng...
Khu vực đảo cũng tập trung các bãi đẻ của nhiều loài hải sản quý, có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, ghẹ, hải sâm, vẹm xanh, điệp, cá thu, cá mú, cua biển, mực... Đặc biệt, tại đây có loài cua đá đặc hữu vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước và là động vật được bảo vệ nghiêm ngặt vì đang có nguy cơ tuyệt chủng...
Ngoài thế mạnh thiên nhiên ưu đãi, đến với Cồn Cỏ còn là đến với những địa danh hiển hách của cuộc trường chinh thống nhất đất nước đầy hào hùng của dân tộc. Cồn Cỏ, đảo của anh hùng của Tổ quốc vững vàng sau bao bão đạn, dông bom thù, hiên ngang và chiến thắng đã được Bác Hồ gửi thư khen, từng hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng đến nay vẫn còn nhiều chứng tích chiến tranh, khu địa đạo dọc ngang trên đảo dài hơn 20km, hệ thống lô cốt dọc bờ biển, các khu nhà pháo...
Đến với Cồn Cỏ còn là đến với một vị trí chiến lược bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, dù diện tích không lớn với chỉ khoảng 2,5km2 nhưng đảo lại có vị trí chiến lược án ngữ toàn bộ phần bờ biển Trung Bộ, gần nhiều tuyến đường hàng hải trong nước và quốc tế. Vì vậy, Cồn Cỏ đóng vai trò rất lớn trong công tác phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc phòng vùng lãnh thổ, lãnh hải và là một địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của hệ thống đảo, hải đảo và vùng biển Việt Nam.
Trong cái nắng gắt gao của miền Trung, đất đỏ lầm lên dưới những bước chân, cầu cảng Cồn Cỏ vẫn đang ngổn ngang trong giai đoạn chuyển mình. Dự án mở rộng âu tàu, cảng cá dự kiến được đầu tư tới 300 tỷ đồng đang dần hình thành sẽ phục vụ dân sinh và phát triển du lịch.
Ông Lê Quang Lanh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị cho biết, với định hướng phát triển thành đảo du lịch sinh thái vào năm 2020 và chính thức đón khách du lịch từ năm 2015, mọi nỗ lực của huyện đảo đều tập trung vào việc khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, kết hợp với phát triển kinh tế biển để xây dựng nơi đây trở thành một điểm đến trù phú, hấp dẫn.
Hiện nay, một số cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh trên đảo như hệ thống âu tàu cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá, các tuyến đường giao thông trên đảo phục vụ đi lại của nhân dân và phục vụ du lịch đang dần hình thành, tạo nên diện mạo khang trang cho Cồn Cỏ. Hệ thống điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc đã được đầu tư, hệ thống phát thanh, truyền hình, viễn thông đã được phủ kín. Bên cạnh đó, hệ thống trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị đã và đang được hoàn thiện... Phương án xây hồ trữ nước ngọt trên đảo đang được triển khai.
Xóm thanh niên xung phong trên đảo giờ đây cũng đã ríu ran tiếng trẻ trong những ngôi nhà mà Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng cho các gia đình.
Anh Ngô Văn Phong, quê ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị ra đảo Cồn Cỏ từ năm 2002 trong đội ngũ những thanh niên xung phong đầu tiên. Bén duyên cùng một nữ đồng đội, anh chị đã quyết định xây dựng tổ ấm tại hòn đảo tiền tiêu này. Hiện nay anh là nhân viên hợp đồng của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ.
Cuộc sống trên đảo còn nhiều thiếu thốn, nhưng anh chị đã cùng 8 gia đình thanh niên xung phong khác xây dựng những mái ấm trên đảo. Anh cũng như những gia đình ở đây đều mong muốn đảo nhỏ sớm đón những khách du lịch đầu tiên, khi đó, các gia đình có thể tham gia vào dịch vụ du lịch vừa có thêm nguồn thu nhập, vừa đóng góp vào sự phát triển của đảo.
Khối lượng công việc trước mắt vẫn còn khá bộn bề bởi trên đảo vẫn chưa có hệ thống nhà nghỉ, khách sạn để phục vụ du khách. Các dịch vụ khác cũng hầu như rất sơ khai. Thời gian 3 năm không phải là nhiều cho những dự án để xây dựng Cồn Cỏ trở thành đảo du lịch, "người Cồn Cỏ" đang nỗ lực để hòn đảo xanh có thể bắt đầu đón du khách vào năm 2015./.
Đỗ Quyên