Ngày 2/8, tại Nghệ An, Hội Phát triển Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia (VILACAED) phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VAVNE) tổ chức hội thảo “Cộng đồng Việt Nam - Lào hợp tác đầu tư và bảo vệ môi trường”. Tham dự hội thảo có đại diện Đại sứ quán CHDCND Lào tại Việt Nam, các Bộ, ngành và các địa phương liên quan của Việt Nam và Lào.
Hội thảo đã nghe các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trình bày các tham luận liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam; Việt Nam và Lào chung sức bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu trong pháp luật và chính sách về quản lý đầu tư.
Các phát biểu tại Hội thảo cho biết: Việt Nam và Lào có mối quan hệ môi trường đặc biệt. Hai nước có chung dòng sông vĩ đại, cùng dựa vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, núi tiếp núi, rừng nối rừng, sông liền sông; có cùng thiên nhiên, môi trường, cùng chung sự đa dạng sinh học hàng đầu thế giới. Mặt khác, trên 1/2 số dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào liên quan đến năng lượng, nông lâm nghiệp và khai khoáng là những lĩnh vực trực tiếp thuộc phạm trù môi trường. Cả hai nước đều nhận thức rõ mối quan hệ giữa môi trường và phát triển, càng đầu tư phát triển kinh tế càng phải chú trọng bảo vệ môi trường. Những vấn đề về môi trường của hai nước là những vấn đề chung mà các nhà đầu tư phải nắm bắt giống như những vấn đề kinh tế trong quá trình hoạt động của mình.
Các đại biểu cũng chỉ rõ những vấn nạn môi trường nghiêm trọng mà Việt Nam và Lào cùng gánh chịu; trong đó, có vấn nạn liên quan đến rừng, đa dạng sinh học, khoáng sản, nguồn nước, thủy điện… Đối với sông Mê Kông, các đại biểu cho rằng: Mê Kông là dòng sông mẹ của cả Lào và Việt Nam và nhiều nước khác; tuy nhiên, hiện nay sự gia tăng nhanh chóng việc sử dụng nước trong lưu vực sông Mê Kông ngày càng đáng lo ngại. Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chỉ rõ: Cùng với việc Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các dự án công trình thủy điện dòng chính Xayaburi, Thái Lan và Campuchia cũng đang tăng cường chuẩn bị các công trình của mình. Nếu tất cả các đập này đều được xây dựng sẽ dẫn đến thảm họa an ninh con người; vì đồng bằng sông Mê Kông là nơi cư trú của khoảng 20 triệu người và có hồ lớn Tonle Sap - một trong những nguồn cung cấp thủy sản lớn cho Campuchia.
Các đại biểu khẳng định: Cộng đồng Việt - Lào cần chung sức, làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững; trong đó có việc cùng phối hợp tổ chức thường niên hội thảo khoa học bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn; cùng tham gia giám sát, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán động thực vật hoang dã xuyên biên giới; cùng vận động việc nhanh chóng tổ chức nghiên cứu vấn đề an ninh môi trường trong bối cảnh khai thác lưu vực sông Mê Kông. Thực tế cho thấy, các nước trong khu vực hạ lưu sông Mê Kông đều có nhu cầu chính đáng để khai thác thế mạnh của con sông này phục vụ cuộc sống của nhân dân và sự phát triển của đất nước mình; tuy nhiên, việc chia sẻ trách nhiệm bảo vệ và quyền lợi được hưởng trong lưu vực sông là vấn đề không đơn giản, nếu giải quyết không thỏa đáng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, lâu dài.