Huế khôi phục ngành nghề thủ công trùng tu di tích

Cập nhật: 09/08/2012
Nghề thủ công truyền thống, nhất là với các nghề mộc, chạm khắc gỗ, vôi vữa (nề), đúc đồng, gốm sứ, sơn mài, pháp lam... có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác bảo tồn, trùng tu hệ thống di tích Cố đô Huế.

Nghề mộc thì ở đâu trong thành phố Huế cũng có cơ sở sản xuất, song nổi tiếng nhất vẫn là làng mộc Mỹ Xuyên, nằm cách thành phố Huế 40km về phía Bắc. Người làng Mỹ Xuyên đến nay vẫn còn tự hào về Mộc tượng triều đình Nguyễn Văn Thọ cùng lớp lớp cháu con về một nghề làm nên những chiếc nhà rường xinh xắn cho đến các cung điện nguy nga lộng lẫy, với kỹ thuật và trình độ chạm khắc gỗ hoàn mỹ. Đến nay, sau hơn 200 năm phục dựng

Những công trình kiến trúc chạm khắc lộng lẫy từ thời nhà Nguyễn còn tồn tại đến ngày nay, như hệ thống di tích các kiến trúc gỗ ở Huế, nhà rường cổ ở làng cổ Phước Tích, hay các đình, chùa, miếu, vũ ở nhiều vùng đất miền Trung... đều có bàn tay tài hoa của những người thợ mộc Mỹ Xuyên góp sức tạo nên. Nghề mộc Mỹ Xuyên hiện không những đóng vai trò quan trọng trong trùng tu di tích, mà người thợ ở đây còn nhận hợp đồng làm một số ngôi chùa, và các kiến trúc bằng gỗ khác cho bà con Phật tử ở Canada, Thái Lan, Philippines và Mỹ, do chính những Việt kiều bên ấy mời sang.

Đến Đại Nội, Huế có thể nhận thấy ngay ấn chỉ "Quốc gia chi bảo" giữa sân Hữu Vu và Tả Vu; hoặc "mục sở thị" được giá đỡ quả bồng, giá đỡ chậu quán tẩy, khay đựng mâm quả trầu rượu cẩn xà cừ, chân đèn, cán… trong chốn hoàng cung. Chủ nhân của những sản phẩm này là Nguyễn Hữu Tài, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế.

Nguyễn Hữu Tài gắn bó với nghề chạm khảm, sơn, thếp, đồ mỹ nghệ cao cấp, thu hút được gần 20 thợ giỏi. Anh đã nhận phục chế nhiều nhà rường hàng trăm năm tuổi, những tủ thờ, án thờ cổ cho đến những vật dụng nhỏ cần độ tinh xảo cao. Đến nay anh đã phục chế được hơn 10 căn nhà rường có hàng trăm năm tuổi, một số sản phẩm gỗ cổ truyền Huế, vật dụng của cung đình có tuổi thọ hàng trăm năm.

Đặc biệt, Tài đã cùng những người thợ tài hoa ở Nam Định, Thái Bình, Hà Tây... phục chế thành công bộ án thư (vua Tự Đức); hai chiếc sập sơn son (một của vua nằm, một để ngồi uống trà), hai thanh kiếm cổ thời Tự Đức. Những mặt hàng này sau đó đã được đưa đi triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tại Hà Nội.

Đối với sản xuất pháp lam, được trang trí trên công trình kiến trúc ở các phường môn, cổ diềm mái điện, bầu hồ lô tại Hoàng thành, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, chùa Thiên Mụ… Sau hơn 200 năm thất truyền (từ thời Minh Mạng), mới đây, một số nhóm nghiên cứu và sản xuất đồ pháp lam của tiến sỹ Nguyễn Nhân Đức (Doanh nghiệp Pháp lam Huế) đã phục chế được các sản phẩm pháp lam để trùng tu các di tích cửa phường môn (cầu Trung Đạo, sau cửa Ngọ Môn), cửa Nhật Tinh và Nguyệt Anh (sau điện Thái Hòa), tháp Phước Duyên (chùa Thiên Mụ) và điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị)...

Công cuộc bảo tồn, trùng tu di tích Cố đô Huế tạo ra môi trường thuận lợi cho các ngành nghề thủ công truyền thống phát triển. Qua thực tiễn trùng tu, đội ngũ thợ trẻ không ngừng được đào tạo và dần dần trở thành những thợ giỏi, có thể đảm đương được những công việc có kỹ thuật phức tạp, có tính nghệ thuật cao. Kinh nghiệm từ bà Andrea Teufel - Giám đốc dự án bảo tồn, trùng tu và đào tạo Đức (GCREP) tại Việt Nam, ngoài việc tiến hành phục hồi các bức tranh tường của cung An Định trong một dự án do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, thì việc chuyển giao kỹ thuật cho các nhóm thợ trẻ người địa phương là rất quan trọng.

Chẳng hạn ở dự án này, việc phục hồi các bức tranh tường được thực hiện cốt lõi từ công đoạn đầu tiên là gia cố lớp sơn mỏng bằng keo polyacrylic, sau đó là chùi sơ bằng cọ mềm và bọt biển chuyên dụng, dùng xà phòng trung tính anionictensid làm rõ lớp sơn gốc còn lại trên tường.

Sau khi hoàn tất các công đoạn này, các chuyên gia dùng một lớp keo acrylic tô vào những chỗ màu bị mất, rồi dùng màu nước chấm sửa lên bề mặt theo phương pháp kỹ thuật rigatino (nguyên liệu mang toàn bộ từ Cộng hòa Liên bang Đức sang). Sau khi hoàn thành công trình, dự án còn giúp đào tạo được 20 công nhân lành nghề cho Huế để có thể đảm đương được việc bảo tồn các công trình tương tự tiếp theo.

Tuy nhiên, để các nghề thủ công truyền thống phát triển bền vững, tỉnh Thừa Thiên-Huế cần có chính sách đào tạo các nghệ nhân là người địa phương, đồng thời tạo cơ hội tốt cho họ làm việc và truyền nghề cho các thế hệ kế cận. Có như vậy, nghề thủ công truyền thống Huế mới phát triển, đáp ứng tốt cho công cuộc trùng tu hệ thống di tích Cố đô Huế.../.

Nguồn: website Huế