Khách du lịch đến Việt Nam đều chung nhận xét: Phong cảnh thiên nhiên thật đẹp, có bề dầy lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, dịch vụ nghèo nàn, rất ít đồ để mua sắm, cơ sở hạ tầng yếu kém. Đó cũng là lý do tại sao du khách đến Việt Nam rất ít quay trở lại bởi cảnh quan thì vẫn vậy, trong khi sản phẩm du lịch không có gì mới.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, du khách sẽ cân nhắc rất nhiều giữa những điểm đến trong khu vực. Vậy cần phải làm gì để có sản phẩm du lịch xứng tầm và hấp dẫn du khách?
Bài 1: Nhà vệ sinh: Chuyện nhỏ hóa lớn
Trong hành trình du lịch, tại các điểm dừng chân và điểm du lịch hiện nay, tình trạng nhà vệ sinh vừa thiếu, vừa nhếch nhác đã khiến nhiều du khách bức xúc, nhất là khách quốc tế. Nhiều năm nay, Tổng cục Du lịch đã kêu gọi các địa phương quan tâm tới vấn đề này, để “công trình phụ” trở thành công trình thiết yếu trong hoạt động du lịch, nhưng sự chuyển biến không được bao nhiêu.
Bí “đầu ra”
“Trong thời gian làm việc ở Việt Nam, cứ khi có thời gian rảnh, tôi lại đi đến các điểm du lịch Việt Nam, nhưng trong các cuộc hành trình, điều mà những khách quốc tế quan ngại là nhà vệ sinh (NVS) rất... mất vệ sinh”, ông Rusell, một người Ôxtrâylia chia sẻ. Đó là cái nhìn rất khách quan của người nước ngoài về điểm giải quyết “đầu ra” và ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Việt Nam.
Hiện nay, trên một số hành trình đến các điểm du lịch nổi tiếng như đoạn đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại Tiền Giang, tuyến quốc lộ 5 hay dọc quốc lộ 1A từ Hà Nội đi Ninh Bình... cũng đã xuất hiện một số trạm dừng chân kết hợp cửa hàng mua sắm và khu vệ sinh. “Các điểm dừng chân cho khách du lịch chủ yếu là do tư nhân đầu tư với mục đích phục vụ cho kinh doanh bán hàng. Một số điểm đầu tư khá hiện đại khu vệ sinh để tạo tâm lý thoải mái cho khách. Tuy nhiên, cũng chỉ một số ít điểm làm cho khách hài lòng, còn thì phần lớn các điểm vệ sinh bẩn, hôi, không có nước, không có giấy, thậm chí không có cửa che chắn…”, anh Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Công ty du lịch Tầm nhìn cho biết.
Trên hành trình du lịch, để đối phó với tình trạng thiếu nhà vệ sinh, nhiều lái xe và hướng dẫn viên chọn giải pháp ghé vào quán nước hoặc “giải quyết” ở những đoạn đường vắng, nam một bên và nữ một bên. “Với khách nội địa thì còn có thể thông cảm nhưng khách quốc tế thì phải thông báo trước tình hình và bao giờ cũng phải nói kèm một câu do “kinh tế khó khăn, đất nước còn nghèo” để họ thông cảm”, anh Việt Thái, HDV của Vietravel cho biết.
Trên hành trình đã vậy, đến các điểm du lịch nhiều khi cũng không khá hơn. Điển hình là TP Huế - một điểm du lịch thu hút rất đông du khách nhưng được nhận xét là rất thiếu NVS tại các điểm di tích. Nhiều du khách đều đặt câu hỏi: Là điểm du lịch được đầu tư nhiều tiền như vậy, tại sao không làm NVS đàng hoàng, thậm chí khách phải trả tiền cũng được.
Cũng không thể phủ nhận rằng việc NVS quá bẩn một phần là do ý thức của du khách. Nhưng lỗi lớn ở đây là do nó không được quan tâm đúng mức và cơ chế quản lý. Cái nhu cầu tối thiểu của con người này từ bao đời nay luôn luôn được coi là “phụ” mặc dù thiếu nó thì trở thành một vấn đề lớn, trầm trọng...
Tại một số cuộc hội thảo, diễn đàn du lịch và trong các báo cáo tổng kết phương hướng nhiệm vụ của ngành, Tổng cục Du lịch luôn kêu gọi các đơn vị, những người làm du lịch nâng cấp hệ thống NVS công cộng phục vụ du lịch đảm bảo vệ sinh. Nhưng cho đến nay, tình trạng NVS vừa thiếu, vừa... bẩn vẫn chưa được cải thiện và đang gây nhiều bức xúc cho khách du lịch.
Nhìn sang nước bạn…
Tại các nước lân cận chúng ta, khi du lịch được coi trọng thì vấn đề xây dựng NVS để phục vụ du khách lại được ngành du lịch đặc biệt quan tâm. Trong đợt khảo sát tuyến du lịch của 4 tỉnh miền Đông Thái Lan (gồm: Chonburi, Rayong, Chanthaburi, Trat), chúng tôi dễ nhận thấy dù là tuyến mới nhưng các NVS công cộng tại các tỉnh này luôn đẹp, rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ và có cả lối đi, cabin dành riêng cho người khuyết tật. “Trước hết chúng tôi coi trọng việc xây dựng NVS và thường kết hợp thành tổ hợp bán xăng, gas và siêu thị”, đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan cho biết. Còn tại các điểm du lịch đông khách, NVS cũng rất sạch sẽ. Thậm chí, nhà hàng Tamnanpar (tỉnh Rayong, nằm cách Băngcốc 179 km về phía đông nam) có NVS được bình chọn và gắn biển "World Toilet Champions" (NVS đẹp nhất thế giới). Với lối thiết kế sáng tạo, đưa thiên nhiên gần gũi với cuộc sống con người, du khách vào NVS cảm thấy hài lòng sau một hành trình dài. Và những người làm tại nhà hàng tự hào về việc có NVS sạch đẹp và luôn khoe với du khách: “NVS đẹp nhất thế giới”. Điều đó khiến nhiều du khách tò mò mang cả máy ảnh vào chụp vài bức ảnh làm kỷ niệm.
Nhiều quốc gia trong khu vực đã giải quyết tốt vấn đề NVS bằng cách đẩy mạnh phong trào làm NVS công cộng, đưa ra tiêu chuẩn NVS tại các điểm du lịch, các trạm dừng chân, các trạm bán xăng. Chẳng hạn như Malaixia, trước năm 2006, từng được biết đến là một đất nước có hệ thống khu vực NVS công cộng tệ hại… không kém gì nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay hình ảnh đó đã thay đổi hẳn. Để thu hút khách du lịch, Chính phủ Malaixia đã phát động một chiến dịch làm sạch NVS và họ đã xây dựng hệ thống NVS sạch sẽ, mang lại cái nhìn thiện cảm từ du khách.