Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Ninh Bình đang tích cực chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tổ chức lập quy hoạch chi tiết Công viên Bảo tồn động vật hoang dã Quốc gia để trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt.
Dự án được thực hiện theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020; Thông báo số 165/TB-VPCP ngày 04/5/2012 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và Thông báo số 418-TB/TU ngày 20/02/2012 của Thường trực Tỉnh ủy.
Mục tiêu của dự án là giúp Ninh Bình trở thành trung tâm bảo tồn các loại động vật hoang dã quý hiếm tiêu biểu của quốc gia, của khu vực Đông nam Á và quốc tế. Việc xây dựng công viên trên sẽ góp phần tích cực vào việc bảo tồn nguồn gen động vật quý hiếm, hệ sinh thái rừng tự nhiên của Việt Nam. Phục vụ nghiên cứu khoa học, kết hợp nhân giống và bảo tồn các loài động vật quý hiếm của Việt Nam, Đông Nam Á và thế giới.
Dự án cũng có ý nghĩa lớn trong việc xác lập, xây dựng khu vui chơi, nghỉ dưỡng, giải trí cho du khách Quốc tế và trong nước có hành trình thăm quan kết nối Công viên bảo tồn động vật hoang dã quốc gia với Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch tâm linh Bái Đính-Tràng An, Tam Cốc-Bích Động, Địch Lộng,…) dự kiến sẽ thu hút trên 2 triệu khách/năm; gắn kết và khai thác các khu du lịch hiện có thành một quần thể có nhiều ý nghĩa to lớn; tạo việc làm cho khoảng 1.000 đến 1.500 lao động tại địa phương và các vùng lân cận, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Trung ương và địa phương.
Qua đó giáo dục, tuyên truyền để bảo tồn và bảo vệ môi trường, thiết lập ý thức hệ và trách nhiệm cho tất cả mọi tầng lớp công dân trong Xã hội đến thăm quan và học tập. UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chủ đầu tư. Kết quả khảo sát tại thực địa cho thấy huyện Nho Quan có 8/8 nội dung phù hợp với yêu cầu. Do vậy Địa điểm: Huyện Nho Quan (các xã: Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long) đã được lựa chọn để xây dựng.
Dự án gồm 3 khu vực chính, bao gồm: Khu Trung tâm (Khu vườn hoang dã: Thú móng guốc, thú ăn thịt, thú lớn, thú nhỏ, thú linh trưởng, động vật dưới nước, bò sát, các loài chim, các loài bướm, côn trùng); Khu quản lý điều hành; Khu dịch vụ phục vụ du lịch, ăn uống, nghỉ dưỡng. Diện tích sử dụng đất: Khoảng 1.669 ha. Chủ đầu tư tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình theo các quy định của pháp luật trong thời kỳ xây dựng cơ bản. Sau khi đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành sẽ chuyển Công viên bảo tồn động vật hoang dã quốc gia sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, trong đó nhà nước chiếm cổ phần chi phối.
Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2012 – 2020 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 7.634 tỷ đồng, trong đó có 4.288 tỷ đồng ngân sách từ trung ương và nguồn huy động hợp pháp là 3.346 tỷ đồng.