Nếu dự án Sử Pán 1 hoàn thành, bãi đá cổ Sa Pa sẽ có hàng xóm là hồ thủy điện nước mênh mang lúc nào cũng đe dọa thít cổ mình.
Lên Sa Pa - trọng điểm du lịch của Lào Cai tuần trước, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, PGS-TS Đặng Văn Bài chẳng được nghỉ lấy một giây, một khắc. Ông là một trong số những chuyên gia được mời lên để khảo sát hiện trạng của bãi đá cổ Sa Pa rồi dự một tọa đàm liên quan đến bãi đá và cảnh quan Lào Cai dưới tác động của thủy điện. Con số 123 công trình thủy điện của tỉnh này khiến ông kinh ngạc đến bàng hoàng. “Cần nhớ rằng trên thế giới không bao giờ có hệ thống thủy điện dày đặc như Lào Cai trong khu vực muốn phát triển du lịch, trong đó có du lịch sinh thái. Lào Cai nên lựa chọn, làm trọng điểm du lịch thì thôi không làm thủy điện”, PGS-TS Bài nói.
TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai, cũng chia sẻ nỗi lo với PGS-TS Đặng Văn Bài và đang không biết phải làm sao để cứu bãi đá cổ Sa Pa khỏi cảnh “kề vai, áp má” với hồ thủy điện Sử Pán 1. Theo tính toán của chủ đầu tư, hồ thủy điện vẫn còn cách vùng bảo vệ II của bãi đá cổ Sa Pa hơn hai chục mét. Điều này khiến xét về lý, vùng bảo vệ của bãi đá cổ chưa bị vi phạm. Cũng chính vì thế, khi Sở VH-TT-DL Lào Cai còn chưa “thông” chủ trương này, Tổng giám đốc Công ty CP công nghiệp Việt Long Phạm Hải Hà (chủ đầu tư dự án Thủy điện Sử Pán 1) thậm chí còn tuyên bố: “Tôi mà kiện thì bên văn hóa chỉ có thua”.
Chưa bị vi phạm theo luật Di sản văn hóa, nhưng thủy điện vẫn đặt bãi đá cổ Sa Pa trước một lựa chọn sinh tử. Nằm ở phía bên lở của dòng Tả Van nên những sạt lở (vốn thường xảy ra) sẽ khiến vận mệnh bãi đã trở nên khó lường. “Chưa kể, ảnh hưởng cảnh quan do hồ thủy điện gây ra không nhỏ. Nhìn lên Tây nguyên, nhiều dòng thác đẹp đã đổi tính, đổi dòng”, PGS-TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, cho biết.
Có lẽ Sa Pa, Lào Cai cũng không cần phải đến tận Tây nguyên để học bài học thủy điện. Ngay tại đây, trên một dòng suối Mường Hoa mà có tới 4 hồ thủy điện thì chả dòng suối nào còn mềm mại cho nổi. Không gian của ruộng bậc thang - di sản mà Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh đã lưu ý phải bảo tồn cùng bãi đá cổ Sa Pa cũng lở loét. “Cách đây hơn một tháng, dự án du lịch trách nhiệm ESRT có tiến hành khảo sát các điểm du lịch các tỉnh Tây Bắc để đầu tư thì Sa Pa bị chấm điểm thấp nhất. Lý do là cảnh quan đã bị phá vỡ trong đó có ảnh hưởng của thủy điện”, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch, cho biết.
Mất cảnh quan, bãi đá cổ Sa Pa không chỉ mất cơ hội trở thành di sản văn hóa thế giới UNESCO mà còn mất luôn địa vị đáng kể trong ngoại giao văn hóa của mình. Còn nhớ năm 2009, bãi đá cổ Sa Pa đã làm Việt Nam kiêu hãnh biết bao khi hình ảnh bản dập của bãi đá được trưng bày ở Thụy Điển. Người Thụy Điển khi đó đã dành cảm tình cho di sản văn hóa quốc gia này của Việt Nam mà hoàn toàn không phải vì động thái ngoại giao. “Bãi đá cổ Umea không phong phú bằng bãi đá Sa Pa nhưng được bảo vệ vô cùng cẩn thận. Họ còn làm cầu ngắm đá cổ nhằm để khách không giẫm lên đá. Vì thế, nghĩ đến tình trạng thủy điện hăm dọa bãi đá Sa Pa mà buồn”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (Viện Mỹ thuật) nói.