Dù chưa chính thức đưa vào khai thác du lịch nhưng Di tích khảo cổ học - "thánh địa" Cát Tiên, thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng hiện đón hàng nghìn khách tham quan mỗi tháng.
Theo Ban quản lý khu di tích, từ đầu năm 2012 đến nay, khu di tích này đã đón gần 60 đoàn khách du lịch trong nước tới đây chiêm ngưỡng, bái vọng.
Di tích Cát Tiên nằm bên tả ngạn sông Đồng Nai, kéo dài hơn 15km từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ của huyện này, là một quần thể khảo cổ còn ẩn chứa nhiều bí ẩn chưa được lý giải cụ thể.
Từ phát hiện ngẫu nhiên vào năm 1985 và sau đó trải qua 8 cuộc khai quật lớn tính đến năm 2006, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy một quần thể phế tích gồm kiến trúc đền đài, mộ tháp và hàng nghìn hiện vật thuộc Bà la môn giáo.
Qua những lần khai quật, giới chuyên môn đã thu được 1.140 hiện vật với nhiều chất liệu như vàng, bạc, đồng, sắt, gốm sứ… với nhiều loại hình phong phú như tượng thần Durga, Ganesa, ngẫu tượng Linga-Yoni, mảnh kim loại chạm khắc thần linh...
Đặc biệt, tại di tích này, các nhà khảo cổ đã phát hiện được cặp ngẫu tượng Linga-Yoni được xem là lớn nhất khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại.
Các di tích, di vật đã chứng minh rằng đây là khu đất cấm chuyên dùng cho việc tế lễ tôn giáo. Niên đại của phế tích được dự đoán có tuổi hình thành trong khoảng thời gian từ thế kỷ IV đến thế kỷ IX, cư dân chủ nhân của "thánh địa" theo các nhà chuyên môn là chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ và có mối quan hệ mật thiết với văn hóa Óc Eo, văn hóa Champa đương thời.
Di tích nói trên phù hợp với loại hình tour du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với tour du lịch sinh thái, tham quan Vườn Quốc gia Cát Tiên nằm đối diện bên hữu ngạn sông Đồng Nai. Tuy nhiên, hiện nay do hạ tầng cơ sở trong khu vực còn yếu kém và chưa có dịch vụ phục vụ đi kèm nên việc du khách tự phát tìm về tham quá đông đã gây khó khăn cho công tác phục vụ của Ban quản lý di tích./.