Những năm gần đây, lễ hội dân gian truyền thống phát triển rất nhanh nhưng thiếu quy củ, nền nếp, khắp nơi đua nhau mở hội một cách tràn lan, xô bồ, trong khi công tác tổ chức và quản lý còn nhiều yếu kém, bất cập. Trước tình hình đó, việc tổ chức quy hoạch tổng thể các lễ hội đang trở nên cấp thiết.
Lễ hội dân gian truyền thống là nhu cầu sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của nhân dân và có lễ hội đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc. Hiện nay cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%)... còn lại là các lễ hội khác. Lễ hội ở nước ta bùng nổ như một hiện tượng xã hội phần nào làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tạo ra động lực góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, đồng thời bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên trong sự bùng nổ ấy đã xuất hiện những xu hướng lệch lạc, những biểu hiện tiêu cực làm giảm giá trị văn hóa của lễ hội.
Do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, đã dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, chạy theo xu hướng thương mại hóa, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương. Chính từ nhận thức sai lệch đó, cung cách tổ chức lễ hội chỉ chú ý đến giá trị kinh tế đã làm lu mờ giá trị văn hóa. Xu hướng tự nâng cấp lễ hội, đề nghị nâng cấp lễ hội đang xuất hiện ở một số địa phương, có nơi còn tự xưng là lễ hội cấp quốc gia, quốc tế, đang có xu hướng mở hội nhiều, tần xuất cao, mở rộng quy mô lễ hội, ganh đua phô trương, hình thức hoành tráng, đưa thêm nhiều yếu tố mới vào lễ hội truyền thống... Những xu hướng sai lệch đó đã dẫn đến sự phát triển xô bồ, mạnh ai người ấy làm, khiến cho bức tranh toàn cảnh của lễ hội xộc xệch. Không gian của lễ hội đang dần bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa, khiến cho hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hình thức dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu mật độ đông của du khách. Lượng khách tham gia lễ hội ngày càng đông, quá tải, dẫn đến cảnh chen lấn, xô đẩy, ách tắc giao thông. Không gian dịch vụ thương mại ngày càng lấn át nơi thờ cúng linh thiêng.
Mặc dù công tác tổ chức, quản lý lễ hội đã có rất nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Chưa có sự phân cấp quản lý minh bạch rõ ràng; chưa thống nhất xác định chủ thể quản lý, nơi thì do chính quyền, nơi do ngành văn hóa, nơi là ban quản lý di tích, thủ từ... Cơ chế quản lý, quy mô tổ chức chưa xác định thống nhất. Từ sự yếu kém, bất cập đó, đã dẫn đến các hiện tượng tiêu cực trong lễ hội như đốt nhiều vàng mã, mê tín dị đoan, bói toán, cờ bạc... cứ tồn tại hết năm này qua năm khác mà không ngăn chặn, dẹp bỏ được. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội tiến hành chậm, kém hiệu quả. Tình trạng xâm hại di tích, tùy tiện tu sửa, tôn tạo, đưa đồ cung tiến vào khuôn viên di tích đang xuất hiện ở một số nơi. Công tác quản lý tài chính và nguồn thu còn buông lỏng, chưa khai thác hiệu quả và đầu tư trở lại cho di tích.
Rõ ràng thời gian trước mắt cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này, song vẫn còn ý kiến xem nhẹ vấn đề này. Theo PGS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia: "Gần đây có không ít người, trong số này có một số người tự coi là học giả hay "nhân danh cộng đồng" đề nghị và kêu gọi trả lại quyền quản lý, tổ chức lễ hội cho cộng đồng. Theo chúng tôi không nên và không thể phủ nhận vai trò quản lý của Nhà nước trong công tác quản lý, điều hành các hoạt động nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và lễ hội nói riêng".
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, đòi hỏi phải nhanh chóng có một quy hoạch tổng thể lễ hội của cả nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành hai cuộc hội thảo ở Hải Dương và TP Mỹ Tho (Tiền Giang) thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa của nhiều tỉnh và thành phố. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, cần thiết phải quy hoạch tổng thể lễ hội trong toàn quốc, đưa hoạt động này vào nền nếp nhằm mục tiêu: Bảo tồn và kế thừa có chọn lọc các giá trị văn hóa của lễ hội dân gian. Ðẩy mạnh và tăng cường xã hội hóa hoạt động lễ hội để phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt lễ hội của nhân dân. Xác định rõ các lễ hội đặc trưng tiêu biểu, từng bước hình thành mạng lưới lễ hội gắn kết với du lịch dịch vụ. Bảo tồn, ghi chép, lưu giữ làm sáng tỏ và phong phú thêm các giá trị vật thể và phi vật thể của hệ thống di tích liên quan đến lễ hội. Nghiên cứu quy hoạch tổng thể cũng như quy hoạch chi tiết các lễ hội tiêu biểu cần bảo tồn phát huy nhằm bảo vệ cơ sở vật chất cho lễ hội. Phấn đấu đến năm 2020, tất các các lễ hội dân gian được quy hoạch chi tiết.
Ðể quy hoạch lễ hội dân gian, phải tiến hành tổng kiểm kê, rà soát, xác định thứ tự ưu tiên đối với từng lễ hội, trên cơ sở đó phân cấp quy mô tổ chức lễ hội: quy mô tổ chức cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp quận, cấp huyện, cấp xã, phường, thị trấn, từ đó tính toán các nguồn lực, năng lực quản lý và điều hành hoạt động lễ hội. Khai thác, kế thừa các tri thức dân gian của cộng đồng dân cư để nghiên cứu, tư liệu hóa, phục dựng lại các lễ nghi, các trò chơi, trò diễn dân gian trong lễ hội. Ðánh giá lại các giá trị văn hóa của từng lễ hội.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, tư liệu hóa về lễ hội nhằm bảo tồn lâu dài giá trị của nó là rất quan trọng. Theo quan điểm bảo tồn trên cơ sở kế thừa, trước hết cần nghiên cứu những nội dung và giá trị cơ bản của từng lễ hội để xác định yếu tố nào là giá trị cần phải kế thừa và phát huy, yếu tố nào không phù hợp có thể không cần phục dựng. Ðể thực hiện được điều đó, rất cần có đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước có chuyên môn, có kinh nghiệm thực tiễn, sâu sát với cộng động, am hiểu lễ hội dân gian và cách thức tổ chức lễ hội, tránh tình trạng áp đặt, hành chính hóa đã từng xảy ra ở một số nơi.
Thực tiễn hoạt động lễ hội đang đòi hỏi sớm có quy hoạch. Quá trình quy hoạch chính là quá trình sắp xếp lại lễ hội một cách khoa học, giúp cho công tác tổ chức, quản lý ngày càng có chất lượng và hiệu quả. Từ đó những tinh hoa của lễ hội dân gian được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống.