Kiến thức truyền thống hay còn gọi là tri thức bản địa có vai trò quan trọng trong đời sống và sản xuất của người dân, đặc biệt là người dân nông thôn, miền núi. Nét đặc thù sống gần với thiên nhiên cây cối và sống dựa vào thiên nhiên giúp các cộng đồng dân tộc có một hệ thống kiến thức và kinh nghiệm sản xuất vô cùng phong phú trong việc bảo vệ cây, bảo vệ rừng cả ngàn năm qua
Chúng tôi tìm về làng Giữa hay còn gọi là xóm Dã thuộc xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang để tận mắt chiêm ngưỡng cây dã hương ngàn năm đã được nhà nước công nhận di tích quốc gia. Nhưng trước đó, chính vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) đã từng ban sắc phong "Quốc chúa đô mộc Đại vương”, nghĩa là cây dã hương lớn nhất nước khi ông đi ngang qua ngôi làng này.
Сa dao Việt Nam có nhiều câu nhắc đến hình ảnh cây đa, giếng nước, là những điều giản dị gắn bó với đời sống thường nhật của người dân. Cây dã hương ở thôn Giữa cũng gắn bó với người dân trong thôn giống như cây đa ở bao làng quê khác. Người dân thôn Giữa gọi cây dã hương là cây cụ. Cây đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự đổi thay, bao biến cố cuộc sống của cả một vùng quê. Chuyện kể rằng, vào thế kỷ 20, cây dã hương đã 6 lần gẫy cành tự nhiên và mỗi lần như thế lại gắn với một sự kiện lịch sử văn hoá của đất nước.
Làng Giữa có trên 200 gia đình, suốt nhiều năm nay làng được công nhận danh hiệu làng văn hoá. Ban công tác Mặt trận liên tục là đơn vị điển hình trong đời sống chính trị xã hội ở địa phương. Một thời đời sống vật chất của người dân nơi đây rất khó khăn, đất không thiếu nhưng lại đói nghèo. Cuộc vận động phát triển kinh tế vườn và chăn nuôi gà chạy bộ đã nhanh chóng làm "thay da đổi thịt” một miền quê, làm thay đổi tư duy của con người. Những giống lúa mới có chất lượng cao được bà con đưa vào sản xuất. Đặc biệt, nhờ có cây dã hương mà du lịch làng phát triển.
Đến làng Giữa hôm nay, du khách chìm vào thẳm xanh ngút ngàn. Những khu vườn vải , nhãn, mít cho quả trĩu cành. Anh Nguyễn Văn Đề, nhân viên của Ban quản lý khu di tích cho biết, bao thế hệ người làng Giữa đã gìn giữ cây dã hương như báu vật của làng quê cả nghìn năm qua. Từ khi được nhà nước công nhận là di tích quốc gia, người làng Giữa càng ý thức hơn vai trò của mình trong việc bảo vệ cây quý cho đời sau. Họ luôn thể hiện tác phong văn hóa trong cuộc sống, đặc biệt trong giao tiếp với khách du lịch. Du khách tới chiêm ngưỡng cây quý không phải mua vé hoặc đóng góp bất kỳ một khoản gì. Điều bắt gặp duy nhất ở ngôi làng này chính là nụ cười luôn thường trực trên môi của những người chủ hiếu khách.
Bảo vệ được cây là do dân
Hiện nay trên cả nước, có rất nhiều cây thuộc danh mộc cổ thụ được cộng đồng gìn giữ như cây đa Tân Trào, cây nhãn Tổ ở Phố Hiến (Hưng Yên), cây Dầu đôi ở Nha Trang,… đã được nhà nước hay cộng đồng bảo vệ. Người dân ở khu vực Huế, Quảng Bình nơi có rừng cây lộc vừng 400 năm tuổi đã từng từ chối rất nhiều lần những cái giá 1 tỷ đồng/1 cây để bảo vệ rừng cây quý hiếm này. Khu bảo tồn Hang Kia - Pà Cò nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hòa Bình, có tổng diện tích rừng tự nhiên khoảng 7.091 ha cũng là một ví dụ. Từ năm 1994, rừng đã được Ban quản lý Khu bảo tồn giao khoán cho người dân hai xã Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu, Hòa Bình) quản lý, bảo vệ với chỉ tiêu 50.000 đồng/ha/năm. Hình thức này được người dân và chính quyền đánh giá là đã góp phần quản lý và bảo vệ rừng tốt hơn. Điều đáng quý là dù không có bất cứ hương ước, quy định nào nói về nhiệm vụ bảo vệ rừng nhưng người dân địa phương đều ý thức được vai trò quan trọng của rừng và trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ rừng.
PGS. TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) cho rằng, bảo vệ được cây là do dân. Nhân dân thấy rõ giá trị vật chất và phi vật chất, gắn với tâm linh làng xã, gắn với anh hùng giữ nước nên họ xem cây như là thành hoàng sông, mang phúc lại cho làng. "Dân mình nhiều nơi còn nghèo, ăn chưa đủ no, nhà chưa đủ lành mà đã biết hi sinh vì những cái cây. Đó chính là phẩm chất của người Việt Nam, họ không xem tiền của là tất cả. Cái họ xem trọng là những gì gắn với quê hương lịch sử, gắn với văn hóa”, ông Hòe khẳng định.
Trách nhiệm của cộng đồng
Tuy nhiên cây quý và những rừng cây nêu trên chỉ là một trong những số ít may mắn. Có không ít cây quý ở nhiều vùng đất nước – chứng nhân cho lịch sử sinh thái của đất nước Việt Nam cũng rất đáng được bảo vệ nhưng đã không được may mắn như vậy. Ví dụ cây thị ngàn tuổi ở phường Ngọc Xuyên (Đồ Sơn), nhiều cây me cổ thụ trên trăm tuổi ở Phan Rang (Tháp Chàm)… Trước thực trạng đó, một trong những biện pháp để bảo vệ cây quý đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phát động thành phong trào Công nhận cây di sản Việt Nam từ năm 2010. Đến nay đã có gần 160 cây được công nhận là cây di sản. Phần lớn hồ sơ gửi đến VACNE là do cộng đồng, người dân tự đăng ký. PGS.TS Nguyễn Đình Hòe cho rằng, khi được công nhận là cây di sản, cây quý sẽ được bảo vệ, chăm sóc với khả năng cao nhất có thể... Theo ông Hòe, trước đây người dân vẫn bảo vệ cây, nhưng họ bảo vệ với tư cách người làng, còn giờ là họ bảo vệ di sản, mang tính quốc gia. Vai trò của họ cao hơn. Mà xa hơn là sau này nếu có ai đó muốn bứng đi, muốn chặt đi thì sẽ có pháp lý bảo vệ.
Có thể thấy VACNE là một tổ chức tiên phong đi đầu trong việc bảo vệ cây quý khi phát động phong trào công nhận Cây di sản. Nhưng nhìn từ cái cây mà ngẫm ra những cánh rừng đặc dụng- lá phổi xanh của trái đất vẫn đang bị đốn chặt hàng ngày không thương tiếc. Người dân ở khu bảo tồn Hang Kia - Pà Cò của tỉnh Hòa Bình bảo vệ rừng vẫn chỉ là một nhân tố hiếm hoi. Làm sao nhân rộng được cách làm của Hòa Bình trên diện rộng? Làm sao để mỗi người thấy được việc cần thiết phải bảo vệ cây, bảo vệ rừng? Đó không còn là trách nhiệm của một cá nhân, một tổ chức, một ngôi làng mà phải là trách nhiệm của cả cộng đồng.