Để đẩy nhanh tiến độ xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các huyện, thị xã tập trung rà soát, báo cáo kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 29/6/2010 của UBND thành phố.
Trong đó, các địa phương phải nêu rõ số lượng lò gạch triển khai đúng quy hoạch, đúng thủ tục theo quy định; số lò gạch thực hiện không đúng quy hoạch, không đúng thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Bên cạnh đó, phân tích cụ thể những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cũng như những đề xuất giải pháp, hình thức tháo dỡ, tiến độ thực hiện xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn huyện, thị xã trong năm 2012.
Trên cơ sở báo cáo của các huyện, thị xã, Sở Xây dựng tổng hợp các nội dung, hoàn thành lập kế hoạch tổ chức thực hiện việc xóa bỏ lò gạch thủ công còn tồn tại trên địa bàn TP. Đối với các trường hợp đặc thù do UBND các huyện, thi xã đề nghị, các sở, ngành thống nhất đề xuất báo cáo UBND TP. xem xét, giải quyết. UBND TP. giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện, thị xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định những tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý sử dụng đất sản xuất, vi phạm về bảo vệ đê điều.
Theo đánh giá của của Sở Xây dựng Hà Nội, mặc dù chính quyền các cấp đã vào cuộc tích cực theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 15 nhằm dần xóa bỏ lò gạch thủ công, nhưng cho đến nay, các lò gạch thủ công vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp dư luận, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và cuộc sống của người dân.
Theo thống kê, tại các huyện ngoại thành Hà Nội hiện còn gần 900 lò gạch thủ công , đó là chưa kể số lượng lò gạch thủ công hoạt động theo mùa vụ, không thường xuyên. Các lò gạch thủ công phần lớn nằm trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất, Mê Linh…
Cũng theo Sở Xây dựng, Thành phố hiện đang triển khai Đề án "Thí điểm công nghệ xử lý khói lò nung gạch tại hai huyện Ba Vì và Phúc Thọ" và cho phép sử dụng công nghệ lò sản xuất gạch có hệ thống xử lý khói thải không ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Đức Trung ở huyện Nam Sách (Hải Dương). Việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất gạch bước đầu đã đem lại tín hiệu khả quan.
Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, toàn thành phố đang tập trung xây dựng nông thôn mới nên nhu cầu về vật liệu xây dựng là rất lớn. Trong khi trên địa bàn TP mới có gần chục cơ sở sản xuất gạch block xi măng, cốt liệu với công suất 62 triệu viên/năm; 4 cơ sở sản xuất công nghệ bê tông bọt nhẹ và bê tông khí nhưng sản lượng rất thấp, chỉ đạt 110 triệu viên…; 40 cơ sở sản xuất nhỏ giá thành rẻ nhưng chất lượng thấp chủ yếu sử dụng vào xây tường rào, chuồng trại và nhà thấp tầng. Vì vậy, công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng mới có thể coi là một liệu pháp trước mắt thay thế các lò gạch thủ công nhằm từng bước xóa bỏ triệt để các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường và giải quyết việc làm cho người lao động.
Hiện nay, một số huyện có nhiều lò gạch thủ công đang đề nghị thành phố tháo gỡ khó khăn, cho phép chuyển đổi áp dụng công nghệ xử lý khói thải theo Đề án thí điểm để giải quyết các bức xúc dân sinh khi xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn. Cùng với đó, thành phố cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, chủ lò gạch thủ công chuyển đổi sang công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng không nung như: Miễn tiền thuê đất, hỗ trợ doanh nghiệp lãi suất vay ngân hàng để mua sắm máy móc thiết bị chuyển giao công nghệ trong vòng 5 năm. Đồng thời, chỉ đạo địa phương sử dụng vật liệu xây dựng không nung đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách, công trình trong xây dựng nông thôn mới.