(TITC) - Từ thị trấn Sa Pa, xuôi theo con đường mòn uốn lượn lưng chừng núi khoảng 8km về phía nam, du khách sẽ đến xã Tả Van (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Tả Van nằm trong thung lũng Mường Hoa - nơi có hai bãi đá cổ nổi tiếng và con suối Mường Hoa chảy qua.
Theo tiếng địa phương, Tả Van có nghĩa là “đường quành lớn”, thuộc tiểu vùng 2 của huyện Sa Pa. Đây là tiểu vùng nằm trên bậc thềm thứ 2 của đỉnh Phan Xi Păng với độ cao trung bình từ 1200 - 1500m, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 15 – 16ºC. Với tổng diện tích đất tự nhiên khá lớn (6.759ha), địa hình ít bị phân cắt, Tả Van là nơi tập trung sinh sống của cộng đồng 3 dân tộc Mông, Giáy và Dao. Trong đó, người Mông chiếm gần 45%, cư trú chủ yếu ở 3 thôn Dền Thàng, Xéo Mí Tỷ và Tả Van Mông; người Giáy có dân số đông thứ 2 (chiếm gần 35%), sống tập trung ở thôn Tả Van Giáy; và người Dao có số dân ít nhất (chiếm hơn 20%), cư trú chủ yếu tại thôn Giàng Tả Chải Dao. Tả Van còn có phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình với những bãi đá cổ, những dòng thác trắng xóa, những dòng suối thơ mộng hay những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau như bất tận... Từ Tả Van có thể đi lại thuận tiện đến các điểm du lịch bản làng hấp dẫn khác của Sa Pa như: Lao Chải, Tả Phìn, Cát Cát… nên đây là một trong những điểm đến được khách du lịch trong và ngoài nước lựa chọn tham quan nhiều nhất trong hành trình khám phá vẻ đẹp Sa Pa.
Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, xã Tả Van đã được quy hoạch thành điểm du lịch cộng đồng trọng điểm của huyện Sa Pa và đã đạt được những kết quả tích cực. Số hộ gia đình đăng ký đón khách nghỉ đêm ngày càng tăng, năm 2001 mới chỉ có 3-4 hộ, năm 2004 có 28 hộ và đến nay đã có 45 hộ được cấp giấy phép.
Một trong những thôn phát triển mạnh loại hình du lịch homestay ở xã Tả Van là Tả Van Giáy với khoảng 20 hộ dân là đồng bào dân tộc Giáy, trong đó hầu hết các hộ đều làm du lịch cộng đồng.
Đường vào Tả Van Giáy phải đi qua cây cầu sắt bắc ngang suối Mường Hoa (còn gọi là cầu Mây). Vào lúc sáng sớm, sương mù và mây bao phủ cả dòng suối khiến cho cây cầu như bồng bềnh trong mây đẹp đến kì lạ. Cái tên cầu Mây cũng xuất phát từ đó. Hai bên đường vào thôn là những thửa ruộng bậc thang nằm trải dài theo sườn núi. Vào sâu bên trong thôn, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp bình dị, mộc mạc pha lẫn nét khang trang, lịch sự của những ngôi nhà sàn truyền thống.
Nhà sàn của người Giáy được dựng bằng gỗ, gồm 3 gian: gian giữa đặt bàn thờ và tiếp khách, gian bên phải là phòng ngủ, gian bên trái là bếp nấu ăn và bên trên là gác xép chứa lương thực. Giữa cửa nhà sàn treo tấm bùa to bằng vải đỏ có dán một mảnh giấy vàng với hàng chữ Hán để xua đuổi tà ma. Ngoài trồng lúa nước, người Giáy ở Tả Van còn tự rèn dụng cụ sản xuất, chạm khắc bạc và dệt vải. Đến đây, du khách sẽ được tận mắt thấy đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Giáy làm ra những sản phẩm thổ cẩm cầu kỳ, đẹp mắt hay những đồ trang sức chạm khắc nhiều hoạ tiết tinh tế, công phu.
Được sự định hướng của chính quyền địa phương, hiện nay, đa số các hộ dân ở Tả Van Giáy đều xây dựng nhà cửa khang trang, có đầy đủ vật dụng sinh hoạt cùng hệ thống nhà tắm, nhà vệ sinh phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách. Người dân Tả Van Giáy rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu của khách du lịch. Họ học nhau cách sửa sang nhà cửa, cách nấu ăn và học tiếng Anh để phục vụ khách. Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, đời sống của nhân dân thôn Tả Van Giáy đã được cải thiện đáng kể.
Đến Tả Van Giáy, du khách không chỉ có dịp tham quan phong cảnh bản làng nên thơ, tìm hiểu bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Giáy mà còn được thưởng thức một số món ăn đặc sản của địa phương (cá suối nướng Mường Hum, thắng cố thịt ngựa Mường Khương, thịt lợn cắp nách Bắc Hà, xôi nếp ngũ sắc Văn Bàn...), được hòa mình trong không khí lễ hội cùng các trò chơi dân gian (lễ Nào Cống, lễ Roóng Poọc (xuống đồng); ném còn, đánh yến...). Bên cạnh đó, để đa dạng hóa các hoạt động du lịch cộng đồng, thôn Tả Van Giáy còn lập đội văn nghệ với gần 30 người chuyên biểu diễn các điệu múa, điệu hát đặc trưng của người Giáy như: múa then, múa kèn, hát giao duyên…
Sự thân thiện, hiền hòa, hiếu khách của đồng bào dân tộc Giáy ở Tả Van cũng chính là một trong những điểm nhấn ấn tượng đối với mỗi du khách, để rồi khi rời mảnh đất này, họ vẫn cảm thấy nuối tiếc, lưu luyến, muốn quay trở lại đây không chỉ thêm một lần. Với vẻ đẹp bình dị, mộc mạc mà khó quên, Tả Van Giáy là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Sa Pa.
Bài: Phạm Phương; Ảnh: Huy Hoàng
Trung tâm Thông tin du lịch