Một vài năm gần đây, ngành du lịch Hà Nội thử nghiệm một số sản phẩm du lịch, tua, tuyến mang tên "du lịch xanh", thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Thành phố Hà Nội đang triển khai các giải pháp để nhân rộng loại hình du lịch này, nhằm phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nhân văn, bảo vệ môi trường sinh thái.
Ô hình du lịch xanh được hình thành ở Hà Nội từ cuối năm 1990, với các tua du lịch trên sông Hồng, du lịch sinh thái, du lịch tại các vùng ngoại thành Hà Nội... Gần đây, ngành du lịch Hà Nội xây dựng các tua du lịch như đưa du khách tham quan khu phố cổ, tham quan Hồ Tây bằng xe điện, du lịch tại làng cổ Ðường Lâm bằng xe đạp... Các sản phẩm du lịch này được khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài đánh giá là rất hấp dẫn. Bởi qua mỗi chuyến đi, du khách có cơ hội được tự mình khám phá, cảm nhận những nét văn hóa đặc thù của từng vùng miền.
Trong số những sản phẩm của mô hình du lịch xanh, loại hình du lịch nông nghiệp với tên gọi "Tập làm nông dân" tại các trang trại lớn ở ngoại thành Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân đô thị. Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, Giám đốc Công ty ATC Việt Nam - đơn vị quản lý trang trại Ðồng quê (huyện Ba Vì) cho biết: "Ðến trang trại, khách du lịch được tham gia sản xuất cùng nông dân, được ngắm phong cảnh đồng quê, được thưởng thức và mua các đặc sản tại nơi sản xuất, được giao lưu trò chuyện và thu nhận những kiến thức về cuộc sống đồng quê". Hiện tại, Công ty ATC Việt Nam phối hợp các trường học tổ chức nhiều tua du lịch nông nghiệp học đường dành cho các em học sinh từ bậc học mẫu giáo đến THPT. Tuy mới xuất hiện và đưa vào hoạt động trong vài năm gần đây, nhưng loại hình du lịch này phát triển khá nhanh, không chỉ giúp khách du lịch có giờ phút nghỉ ngơi thư giãn tại không gian thoáng đãng, mà còn là dịp tốt để những người dân thành phố, kể cả người lớn và trẻ em, có cơ hội được tiếp xúc với thiên nhiên, được trải nghiệm công việc của nhà nông...
Không chỉ triển khai xây dựng sản phẩm du lịch, ý tưởng xây dựng nền du lịch xanh được khách sạn, đơn vị vận chuyển, kinh doanh lữ hành áp dụng bằng biện pháp như: xử lý nước thải tránh gây ô nhiễm, thu gom triệt để rác thải, giảm tiếng ồn, hạn chế sử dụng túi ni-lông, trồng cây xanh, hướng dẫn khách du lịch tham gia bảo vệ môi trường... Nhiều đơn vị thực hiện khá tốt, nhằm xây dựng hình ảnh về ngành du lịch thân thiện với môi trường.
Ngành du lịch Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình du lịch này, nhằm phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nhân văn, bảo vệ môi trường sinh thái. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết, thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô cho ra mắt một số sản phẩm du lịch mới như du lịch sinh thái tại huyện Sóc Sơn, du lịch tâm linh, ăn nghỉ tại nhà dân ở huyện Ba Vì. Các đơn vị trong ngành sẽ đầu tư khai thác giá trị cảnh quan, sinh thái tại khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì, khu danh thắng Hương Sơn, khu vực núi Sóc, hồ Ðồng Quan, xây dựng các tua du lịch sinh thái ven sông Hồng, sông Ðáy... thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.