Di tích Rừng Đại tướng bị hư hại nặng bởi bão lũ

Cập nhật: 04/09/2012
Rừng Đại tướng là cách gọi trìu mến, gần gũi của nhân dân xã Mường Phăng nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung dành cho người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Còn tên chính thức là Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Khu rừng cổ thụ rộng hàng trăm héc ta từng là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Điện Biên hiện đang bị đe doạ bởi thiên tai, bão lũ...

Do ảnh hưởng của đợt mưa, bão kéo dài trong 1 tuần vừa qua, nhiều công trình nằm trong hệ thống khu di tích lịch sử Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ bị hư hỏng nặng. Tổ bảo vệ di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, cho biết: Đêm 21.8, mưa lớn kèm theo gió lốc đã làm bật gốc 2 cây cổ thụ, 1 cây khác bị gãy ngang thân. Khu di tích Rừng Đại tướng chủ yếu gỗ tô hợp hương, gỗ dẻ và cây mạy thón (gỗ ngứa) hàng trăm năm tuổi, cây nào cũng to cỡ một người lớn ôm, cao 20 - 30m, cành lá sum suê. Do vậy, mỗi khi bị gãy đổ, bật gốc sẽ làm nhiều cây rừng khác ảnh hưởng theo.

Do mưa lớn cục bộ trong nhiều giờ nên nước từ thượng nguồn các nhánh khe dồn về khu vực suối di tích đã tạo ra lũ quét khiến 5 cây cầu (làm bằng bê tông giả thân cây) hư hỏng nặng, trong đó 3 cây cầu đã bật ra khỏi mố cầu. Theo ghi nhận của chúng tôi, đến chiều ngày 27.8 tại hiện trường: cây cổ thụ có chu vi khoảng một người ôm bị đổ ngay gần khu vực Bếp Hoàng Cầm của Cơ quan tham mưu Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cách đó không xa, gần lán làm việc của Thiếu tướng, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, một cây cổ thụ khác có chiều dài trên 20 mét cũng bị bật gốc, phần ngọn cây chắn ngang lối đi trong khuôn viên di tích, đã được tổ bảo vệ khắc phục tạm thời bằng cách cắt bỏ thành nhiều khúc nằm ngổn ngang bên đường đi.

Thiệt hại nặng nhất là cây cầu số 2 gần Lán làm việc của Ban Thông tin chiến dịch. Toàn bộ chiều dài cây cầu và một phần đường đi đã bị nước cuốn trôi. Giữa lòng suối là một thân cây lớn bị vướng đá mắc lại; cả khu vực lổn nhổn đá to nhỏ các loại trôi về trông nhếch nhác, mất mỹ quan. Thực trạng trên đã khiến việc đi lại của khách tham quan du lịch Rừng Đại tướng trong những ngày qua trở nên khó khăn, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Nhiều đoàn du khách tới tham quan Rừng Đại tướng trong mấy ngày qua tỏ ra không hài lòng. Bác Đình (83 tuổi), du khách đến từ tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi vất vả lắm mới vượt qua được cây cầu tạm cho biết: “Chúng tôi đến để tham quan du lịch mà phải khó nhọc đi trên mấy cây cầu nguy hiểm như thế này thì thất vọng quá!”. Anh Nguyễn Việt Hùng, du khách đến từ Hà Nội nói: Tôi và gia đình háo hức lên đây tham quan, du lịch để mong tìm hiểu thêm về lịch sử cha ông; cũng là dịp để giáo dục con cái biết tôn trọng những giá trị lịch sử... Nhưng di tích bị hư hỏng thế mà để mãi không thấy sửa, phản cảm quá!

Anh Lò Văn Xuân, nhân viên Ban quản lý rừng di tích chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết thêm: Tổ bảo vệ di tích đã làm biên bản vụ việc và báo cáo với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Vì việc sửa chữa, trùng tu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng là trách nhiệm của bên bảo tàng chứ không phải của anh em bảo vệ ở đây, chúng tôi không có thẩm quyền làm việc đó!

Cũng cần phải nói rằng, đây không phải là lần đầu mưa gió bão làm cây cổ thụ trong rừng Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng ngả, đổ. Tầm tháng 4 năm 2010, sau những cơn giông gió, nhiều “ông cây” khu vực Rừng Đại tướng đã bật gốc. Đáng tiếc nhất là cây sung cạnh hầm Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái to cỡ 2 người ôm đổ xuống chắn ngang lối đi. Không còn cách nào khác, tổ quản lý di tích phải cắt bỏ thành nhiều khúc và tấp xuống bìa rừng. Nhiều du khách sau khi chứng kiến cảnh cây sung cổ thụ bất đắc dĩ bị “khai tử”, cành lá héo úa theo thời gian đã tỏ vẻ tiếc nuối. Vì nghe đâu, trong “56 ngày đêm máu trộn bùn non”... những lúc đói bụng, bộ đội và cả tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ăn quả sung để có thêm sức khỏe chiến đấu. Thời điểm cây sung và nhiều cây tô hợp hương, dẻ khác gãy đổ đè bẹp lán Hội trường, lán Bếp Hoàng Cầm vậy mà đến cả tháng sau vẫn chưa được đơn vị chức năng khắc phục, tôn tạo lại hiện trường, làm nhiều khách du lịch ta thán. Thời điểm đó, chúng tôi cũng tìm đến Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để hỏi nguyên nhân, giải pháp khắc phục và nhất là thời gian hoàn thành thì nhận được câu trả lời đã lập biên bản, chụp ảnh hiện trường, còn việc trùng tu, tôn tạo thì phải đợi ý kiến của cấp trên...

Lần này, sau khi “mục sở thị” tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, chúng tôi cũng đưa những băn khoăn của mình và cả khách du lịch trao đổi với ông Đặng Trọng Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông cho biết: Ngày 24.8, tức là sau 2 ngày xảy ra mưa bão, ông và một số cán bộ đã vào kiểm tra, lập biên bản hiện trường, xác định mức độ thiệt hại... Trước mắt, lấy gỗ bắc cầu tạm để du khách đi qua, còn khắc phục, trả lại nguyên hiện trạng thì phải tuân thủ quy trình quản lý xây dựng của Nhà nước. Nghĩa là phải khảo sát, thiết kế, lập dự toán kinh phí trình cấp trên... và như thế có thể phải mất rất nhiều thời gian. Ông Hà cho biết: Ví như lán Hội trường bị cây dẻ đè sập năm 2010 phải mất hơn 3 tháng sau mới được phép trùng tu lại.

Vẫn biết việc khắc phục các hư hại xảy ra đối với các di tích có những quy định chặt chẽ nhưng đối với khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách khẩn trương vì mùa mưa bão vẫn đang tiếp diễn, nếu không sớm khắc phục rất có thể xảy ra khả năng “hư hại chồng lên hư hại”.

Nguồn: Báo Văn hóa