Phát triển du lịch Đầm Nha Phu – Khánh Hòa trên cơ sở bảo tồn Đa dạng sinh học

Cập nhật: 07/09/2012
Vùng biển nửa đầm nửa vịnh này, dù không nổi tiếng như các vịnh Nha Trang, Cam Ranh, nhưng lại là nơi giàu tài nguyên đa dạng sinh học cho sự phát triển du lịch mang đậm tính nhân văn của Khánh Hoà.

Đầm Nha Phu, ở phía bắc Thành phố Nha Trang, nằm kẹp giữa hai vịnh biển đẹp nhất của Khánh Hoà: Vịnh Văn Phong ở phía bắc và vịnh Nha Trang ở phía nam. Nha Phu ngăn cách với vịnh Văn Phong bởi bán đảo Hòn Hèo, ngăn cách với vịnh Nha Trang bởi khối núi Đèo Rù Rì đâm thẳng ra biển, tạo ra mũi Kê Gà hiểm trở. Nha Phu là một vịnh biển: nước mặn, có rạn san hô và các quần thể sinh vật biển điển hình. Tuy nhiên, người Khánh Hoà vẫn quen gọi Nha Phu là đầm bởi vì nó rất nông và lặng sóng

 

1.Du lịch đầm Nha Phu: nơi cung ứng những sự khác biệt

 

Ở Khánh Hoà, không thiếu những điểm du lịch cao cấp mà chỉ những du khách nhiều tiền mới có thể đến. Đã có người sợ rằng sẽ đến lúc du khách bình dân đến Nha Trang không còn chỗ nghỉ và tham quan. Nha Phu, vùng đệm giữa các khu du lịch sang trọng, dường như được trời phú cho các điều kiện để phát triển loại hình du lịch cho mọi người với nhiều khả năng chi trả khác nhau.

Đầm Nha Phu không đủ sâu để đón các du thuyền cỡ lớn, nhưng đủ cho các chuyến tàu nhỏ chở khách đến thăm các đảo và ngắm san hô. Đến Hòn Lao, du khách thích du lịch sinh thái có thể đi sâu vào rừng chiêm ngưỡng đàn khỉ sống tự do. Tuy nhiên trẻ em có thể thích thú với những màn trình diễn xiếc thú: các chú khỉ mặc quần áo đi xe đạp, rồi còn xiếc gấu, xiếc voi. Bãi biển lặng sóng và nông không phù hợp với nhiều loại hình thể thao dưới nước, nhưng lại là nơi bơi lội thích hợp của hàng trăm du khách nhỏ tuổi.

Điểm du lịch Suối Hoa Lan ở chân núi Hòn Hèo được xây dựng dọc theo dòng suối cùng tên. Du khách muốn hoà mình với thiên nhiên có thể leo trên con đường dốc lát bậc bê tông để đến thăm bốn thác nước ngoạn mục, nhưng nước chỉ có trong mùa mưa. Hàng trăm loài hoa lan khoe sắc trong những ngôi động đá được xây cất giả tự nhiên. Ở chỗ nghỉ, không phải các khách sạn đắt tiền mà là những ngôi nhà sàn và các nhà nhỏ mái lá đủ chỗ cho hàng trăm du khách. Nếu muốn ngắm đà điểu, du khách có thể ghé qua trại nuôi đà điểu ở Hòn Thị.

Theo khảo sát năm 2007 của Viện điều tra quy hoạch rừng Bộ NN&PTNT và Hội Động vật Frankfurt, rừng Hòn Hèo có 17 đàn voọc chà vá chân đen với khoảng 110 con. Nhiều năm qua chúng vẫn bị săn bắn lén lút. Bộ đã đồng ý cho tỉnh Khánh Hòa thành lập khu bảo tồn Voọc Chà vá chân đen ở Hòn Hèo. Resort Ninh Vân tọa lạc ở chân Hòn Hèo gần cửa đầm Nha Phu khéo chiều động vật hoang dã. Buổi chiều, voọc chà vá, sóc, chuột núi, kỳ nhông, gà rừng, cheo, mang, bìm bịp sống tự do, vào cả khu khách ở và cantin chơi đùa, leo lên cả ghế.

Đa dạng các loại hình du lịch trên những điểm du lịch hạn hẹp về không gian với chi phí rất phải chăng đã tạo ra sức hấp dẫn lớn của đầm Nha Phu, khiến cho các điểm du lịch ở đây ngày nào cũng đông khách. Nếu du lịch là việc tìm kiếm sự khác biệt, thì đầm Nha Phu đáp ứng rất cao nhu cầu đó.

 

2. Vẫn còn những tài nguyên du lịch đang ngủ yên ở vùng đầm

 

Đó chính là giá trị lịch sử văn hoá của Hòn Hèo mà không mấy nơi ở Khánh Hoà có được. Ba xã ở phía bắc Hòn Hèo là những tụ điểm đầu tiên của cư dân Việt vào khai phá làm ăn ở vùng đầm vào năm 1672 khi chiến tranh Trịnh - Nguyễn kết thúc. Đó là những cư dân gốc Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Hai trăm năm sau, Hòn Hèo là chiến khu chống Pháp của nghĩa quân Cần Vương do Bình Tây Tướng quân Trịnh Phong chỉ huy. Hàng loạt trận chiến  đẫm máu đã xảy ra trên đèo Rọ Tượng ven bờ đầm Nha Phu. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hòn Hèo có lúc đã là nơi đóng các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của huyện Ninh Hoà và của tỉnh uỷ Khánh Hoà. Tại đây năm 1948, trận càn Bão Táp của 4.000 quân Pháp bị quân dân Ninh Hoà đánh bại. Mười chín năm sau (1967), quân dân Ninh Hoà cản phá thắng lợi trận càn 21 ngày đêm của sư đoàn Bạch Mã (Hàn Quốc) ở Hòn Hèo. Năm sau (1968), ở đầu phía đông Hòn Hèo, tại Ninh Vân, tàu không số chở vũ khí vào Nam của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bị lộ và đã tự nổ tàu hy sinh. Đền thờ anh được nhân dân xây dựng ở Ninh Vân, tên anh được đặt cho một hòn đảo san hô ở Trường Sa[i].

Những giá trị sinh thái, lịch sử văn hoá vô giá của vùng đầm Nha Phu vẫn còn rất nhiều dưới màu xanh rậm rạp của cây rừng và núi đá ven đầm. Vùng biển nửa đầm nửa vịnh này, dù không nổi tiếng như các vịnh Nha Trang, Cam Ranh, nhưng lại là nơi giàu tài nguyên đa dạng sinh học  cho sự phát triển u lịch rất riêng riêng mang đậm tính nhân văn của Khánh Hoà./.

Nguồn: vacne.org.vn