Tình trạng cấp phép lộn xộn, thiếu quy hoạch cho các resort ven biển miền Trung làm ngư dân mất đường ra biển đang trở thành một thực tế đáng báo động.
Phóng viên NTNN trao đổi với TS Hà Văn Siêu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch về vấn đề này.
TS Hà Văn Siêu cho biết:
Điều đầu tiên phải khẳng định là ở tất cả các khu vực có tài nguyên du lịch hấp dẫn, đặc biệt có bãi biển đẹp và không gian ven biển có sức thu hút khách du lịch thì cũng có sức cuốn hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là các nhà đầu tư có tầm nhìn ngắn hạn, muốn gặt hái nhanh thành quả ở những chỗ tài nguyên hấp dẫn nhất nên thành ra chen chúc ở một nơi.
Bên cạnh đó, khi phê duyệt các công trình, địa phương xem xét còn nhẹ, không có tầm nhìn dài hạn, dẫn đến phá vỡ không gian ven biển.
Người dân thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận (Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) bị bịt hết đường ra biển bởi khu du kịch sinh thái.
Vậy theo ông, nguyên nhân là do khâu quản lý kém của các địa phương?
- Đúng vậy, đây là một quy luật về chức năng quản lý nhà nước, nếu như chúng ta không có tiêu chí, không kiểm duyệt, kiểm tra một cách sát sao, kỹ lưỡng thì hệ quả tất yếu như thế sẽ xảy ra. Khi mở cửa kinh doanh thì các nhà đầu tư sẽ tìm đến những địa thế đẹp nhất để chọn, bởi vậy những chỗ càng đẹp thì càng bị băm nát và hậu quả của việc này là vẻ đẹp sẽ bị mai một cũng như không phát huy được tính tổng thể của du lịch.
Theo tiến sĩ, ngoài tầm nhìn về quản lý quy hoạch còn lý do nào khác?
- Còn có rất nhiều lý do khác chi phối như lợi ích cục bộ, lợi ích ngắn hạn từ các cấp lãnh đạo. Họ bị ảnh hưởng nhiều từ tư duy ngắn hạn nhiệm kỳ, nên phê duyệt mà không cân nhắc kỹ lưỡng về lợi ích lâu dài, chỉ thấy một lợi ích duy nhất đó là lợi ích từ một dự án. Và sai lầm từ một dự án này sẽ phá vỡ dự án khác, cứ như thế lợi ích này đè chồng lợi ích kia. Và người chịu thiệt thòi không ai khác chính là những người dân địa phương ở đó.
Tôi thấy đáng buồn là, nước ta đi sau, phát triển sau và đã được học hỏi kinh nghiệm, có nhiều bài viết khuyến cáo, nhiều quy hoạch tốt, thế nhưng ta vẫn không tránh khỏi sai lầm đáng tiếc. Và tôi cho rằng nguyên nhân từ cả hai phía - nhà đầu tư và người cấp phép.
Vậy theo quan điểm của ông phải xử lý như thế nào về những công trình bất hợp lý, cản trở cuộc sống đã lỡ xây?
- Đây là một vấn đề khá phức tạp, với quan điểm của cá nhân tôi thì bây giờ sửa chữa những quy hoạch đó sẽ rất chắp vá, tốn kém và lãng phí tiền của xã hội. Với những cái gì đã lỡ rồi, ta phải chấn chỉnh hài hòa với thiên nhiên, hài hòa với xã hội, làm sao để “chung sống” với cộng đồng ở địa phương đó. Còn những nơi nào sắp tới sẽ cấp phép xây dựng thì cần phải tính toán tới môi trường, xã hội của địa phương đó, phải tính đến đời sống, sinh hoạt, văn hóa của người dân.
Phải cương quyết và có quan điểm cứng rắn trong vấn đề này, phải có tầm nhìn xa, tổng thể chung ở môi trường đó. Đặc biệt quan tâm đến nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, những ngành nghề thô sơ, như với ngư dân, diêm dân... để cùng nhìn về một hướng chứ không phải để triệt tiêu lẫn nhau.
Xin cảm ơn ông!