Tập trung mọi nguồn lực bảo tồn di sản thế giới

Cập nhật: 14/09/2012
Ngày 12/9, tại Ninh Bình, Hội thảo "Công ước 1972 và phát triển bền vững gắn kết với chương trình con người và sinh quyển" đã họp phiên kết thúc, dưới sự chủ trì của ông Kishore Rao, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO; ông Phạm Cao Phong, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và ông Long Kheng, Chánh văn phòng đến từ Bộ Môi trường Vương quốc Campuchia.

Hội thảo thống nhất nhận định, trong những năm qua, các di sản thế giới đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương sở hữu di sản. Tuy nhiên việc quản lý các di sản thiên nhiên và văn hóa tại các nền kinh tế phát triển nhanh trong khu vực Đông Nam Á hiện đang phải chịu rất nhiều áp lực như bùng nổ dân số, giảm nguồn chi tiêu tài chính, những thách thức của biến đổi khí hậu..., và đặc biệt bị ảnh hưởng bởi sự cần thiết để duy trì cân bằng giữa việc bảo tồn các giá trị thiên nhiên và văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội.

Hội thảo ra đã Tuyên bố Ninh Bình nhấn mạnh 5 điểm chính, trong đó chú trọng đến việc tập trung mọi nguồn lực trong xã hội tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới và các khu dự trữ sinh quyển, đảm bảo sự liên kết của luật pháp các quốc gia với các Công ước của UNESCO.

Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc khai thác và quản lý các di sản được UNESCO công nhận phải được đảm bảo. Khuyến khích thế hệ trẻ tham gia bảo vệ di sản thông qua chương trình giáo dục và tiếp cận cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao sự hiểu biết của họ về môi trường. Xem xét tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và mức độ rủi ro do thiên tai và môi trường gây ra, cần đặc biệt chú ý đến các vấn đề về thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai để sẵn sàng ứng phó và giảm thiểu tác hại.

Các quốc gia sẽ thành lập Mạng lưới Xanh (Green Network) kết nối các khu di sản, sinh quyển các nước và công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Đông Nam Á được UNESCO công nhận, nhằm bảo tồn các giá trị thiên nhiên và văn hóa hướng tới phát triển bền vững.

Ông Kishore Rao, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO đánh giá cao sáng kiến của phía Việt Nam, vì đây là sáng kiến đầu tiên của các nước thành viên đưa ra ý tưởng kết hợp giữa các khu di sản thế giới với các khu dự trữ sinh quyển nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp với chủ trương cải tổ của UNESCO.

 

Nguồn: Vietnam+