Phát triển bền vững gắn kết di sản, sinh quyển và con người

Cập nhật: 17/09/2012
Hội nghị diễn đàn tiểu khu vực ASEAN với chủ đề "Công ước 1972 và phát triển bền vững gắn kết với chương trình con người và sinh quyển (MAB)" đã họp phiên kết thúc vào ngày 12/9/2012 sau hai ngày làm việc tại Ninh Bình.

Trong những năm qua, các di sản thế giới đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương sở hữu di sản. Tuy nhiên, việc quản lý các di sản thiên nhiên và văn hóa tại các nền kinh tế phát triển nhanh trong khu vực Đông Nam Á hiện đang phải chịu rất nhiều áp lực như bùng nổ dân số, giảm nguồn chi tiêu tài chính, những thách thức của biến đổi khí hậu..., và đặc biệt bị ảnh hưởng bởi sự cần thiết để duy trì cân bằng giữa việc bảo tồn các giá trị thiên nhiên và văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

Hội thảo đã ra tuyên bố về "Vai trò của di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển và công viên địa chất toàn cầu đối với sự phát triển bền vững", gọi tắt là “Tuyên bố Ninh Bình”. Tuyên bố Ninh Bình nhấn mạnh 5 điểm chính, trong đó chú trọng tập trung mọi nguồn lực trong xã hội tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới và các khu dự trữ sinh quyển, đảm bảo sự liên kết của luật pháp các quốc gia với các Công ước của UNESCO. Tuyên bố đề cao vai trò và sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc khai thác và quản lý các di sản được UNESCO công nhận phải được đảm bảo. Khuyến khích thế hệ trẻ tham gia bảo vệ di sản thông qua chương trình giáo dục và tiếp cận cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao sự hiểu biết về môi trường. Xem xét tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mức độ rủi ro do thiên tai và môi trường gây ra, cần đặc biệt chú ý đến các vấn đề về thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai để sẵn sàng ứng phó và giảm thiểu tác hại.

Các quốc gia sẽ thành lập Mạng lưới Xanh (Green Network) kết nối các khu di sản, sinh quyển các nước và công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Đông Nam Á được UNESCO công nhận, nhằm bảo tồn các giá trị thiên nhiên và văn hóa hướng tới phát triển bền vững. Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO Kishore Rao đánh giá cao sáng kiến của phía Việt Nam, vì đây là sáng kiến đầu tiên của các nước thành viên đưa ra ý tưởng kết hợp giữa các khu di sản thế giới với các khu dự trữ sinh quyển nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp với chủ trương cải tổ của UNESCO.

Trong chuyến thăm tới Việt Nam tham dự kỷ niệm 40 năm thực hiện công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO - Kishore Rao cũng đã tới thị sát Hoàng thành Thăng Long vào ngày 13/9/2012.

Sau khi nghe Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội báo cáo về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, ông Kishore Rao đã thị sát các công trình trong khu di sản, đồng thời đánh giá cao khả năng bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Trung tâm và TP. Hà Nội nói chung. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội hiện đang tích cực triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thông qua dự án tài trợ của Quỹ tín thác Nhật Bản. Trong quá trình triển khai dự án (2010 – 2012), Trung tâm đã có những hội thảo chuyên đề về khảo cổ học đánh giá kết quả công tác khảo cổ tại Hoàng thành; hoàn thành kế hoạch quản lý của Trung tâm trong đó đã xây dựng kế hoạch hành động giai đoạn 2012 – 2015 cho khu vực đã được xếp hạng; đã triển khai hệ thống thông tin địa lý…

Trong thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long tiếp tục thực hiện các cam kết của Chính phủ đối với khuyến nghị của Icomos (Hội đồng quốc tế về di tích và di chỉ) về di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội; tiếp tục nghiên cứu, khảo cổ, đào tạo cán bộ chuyên môn, thực hiện kế hoạch quản lý, tiến hành công tác bảo tồn, bảo vệ và mở cửa đón khách tham quan, tổ chức giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá phát huy giá trị khu di sản đến du khách trong nước và quốc tế.

VTR