Khi đã chán những tiện nghi hiện đại, du khách lại tìm về đồng quê để tìm hiểu và thư giãn. Ở Nam Bộ, có nhiều loại hình du lịch đồng quê gắn với sông nước miệt vườn.
An Giang là điểm đến có nhiều dịch vụ du lịch đồng quê phong phú giúp du khách tìm hiểu văn hóa đặc trưng của địa phương, không chỉ thu hút du khách trong nước mà có khá nhiều khách nước ngoài.
Trong các tour du lịch An Giang, nhiều người thích chọn tour homestay ở xã Văn Giáo (huyện Tịnh Biên). Ở đây, có 3 hộ làm dịch vụ homestay. Theo tour này, khách được đón tiếp rất nhiệt tình. Dân địa phương đa số là người dân tộc Khmer. Gặp khách đến, bà con chào hỏi ríu rít như gặp lại người thân. Trong phum, có rất nhiều hộ dệt thổ cẩm truyền thống. Khách có thể ghé bất cứ nhà nào để tìm hiểu về nghề dệt. Đáng quý là chủ nhà không kỳ kèo bắt khách mua hàng. Khách đến tham quan được đón tiếp ân cần và nhiệt tình, chủ nhà có thể dành cả buổi giới thiệu với khách về nghề và người ở phum.
Nghề dệt thổ cẩm của bà con dân tộc Khmer ở vùng biên có từ lâu đời. Thổ cẩm ở đây sặc sỡ với rất nhiều hoa văn, họa tiết. Tơ được nhuộm màu từ vỏ cây, rễ cây để tạo màu tự nhiên và bền. Mọi thứ đều làm bằng tay nên thổ cẩm đắt hơn nhiều so với dệt máy. Có những tấm thổ cẩm người dệt phải mất ròng rã hơn một tháng liền. Thổ cẩm Khmer có nhiều loại hoa văn, họa tiết dành cho mỗi đối tượng khách hàng riêng. Người bình dân sử dụng thổ cẩm thường. Người giàu có, quý tộc thì dùng loại hoa văn phức tạp hơn. Riêng thổ cẩm có hoa văn về truyền thuyết đức Phật Thích Ca phải mất nhiều tháng ròng rã mới dệt xong. Người giàu có mua loại thổ cẩm này để cúng dường nhà chùa.
Cách thức tổ chức du lịch đồng quê của An Giang rất bài bản và chu đáo. Hệ thống dịch vụ khép kín giúp khách trải nghiệm một chuyến du lịch thú vị. Sau khi tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm ở Văn Giáo, chúng ta đi rừng tràm Trà Sư. Đây là khu rừng ngập nước được bảo tồn kỹ luỡng, là lá phổi xanh của ĐBSCL. Rừng mênh mông. Bên dưới là mặt nước phủ bèo xanh ngắt một màu. Bên trên vô số chim muông bay lượn, ríu rít, nghe rất vui tai. Vào đến rừng, chúng ta thích thú cảm nhận thiên nhiên hoang dã và trong lành: không khí mát rượi, đầy những âm thanh lạ mà nơi khác không có được.
Rời Trà Sư, chúng ta trở ra Châu Đốc, ghé làng dệt Đa Phước (huyện An Phú). Nếu Văn Giáo là làng dệt của đồng bào Khmer thì đây là làng dệt của bà con dân tộc Chăm. Có thể đi đường bộ từ Châu Đốc sang Đa Phước nhưng du khách thường chọn ghe xuồng để có dịp đi trên sông Hậu, ngắm những làng bè trên sông. Cũng như người Khmer, người Chăm bản địa vô cùng hiếu khách. Các chị vừa tiếp chuyện khách vừa đều chân đều tay dệt. Ngày trước, con gái Chăm không được thoải mái như bây giờ. Khung dệt chính là người bạn của con gái Chăm, ngồi khuất trong nhà, người ngoài không nhìn thấy. Bởi thế nói đến khung dệt của người Chăm, nhiều người liên tưởng đến cuộc sống "cấm cung" của phụ nữ Chăm xưa. Cuộc sống hiện đại, nghề dệt thổ cẩm Chăm trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Tiếp tục chương trình, khách đến làng bè để tìm hiểu về quy trình nuôi cá tra. Con cá này là sản phẩm mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho An Giang và nhiều tỉnh ĐBSCL. Trong chuyến đi, khách còn được tắm cồn mà người ta thường gọi vui là "tắm khoáng bùn" phù sa trên sông. An Giang đã khai thác tiết mục này đưa vào tour du lịch, giúp khách vừa thư giãn sau chuyến đi, vừa tận hưởng được cảm giác của cuộc sống miền sông nước.
Ở An Giang, nhiều nông dân tham gia làm tour. Bà con tận dụng điều kiện sẵn có để thu hút khách du lịch một cách rất chuyên nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã chọn nông dân An Giang làm "đối tác" để tổ chức các tour liên quan đến du lịch văn hóa ở địa phương./.