Khi xảy ra các vấn đề xâm hại di tích, dư luận thường đổ lỗi cho người dân. Tuy nhiên, việc giáo dục luật di sản, nâng cao ý thức bảo vệ di sản cho nhân dân chưa được các cấp chính quyền coi trọng.
Việc xâm hại di tích vẫn thường xuyên xảy ra. Công luận đã nhiều lần lên tiếng nhưng hiện tượng này vẫn chưa được hạn chế. Câu chuyện chuyển đình Ngu Nhuế (Hưng Yên), dựng mới Nhà Tổ, Gác Khánh, bậc cấp ở Chùa Trăm Giang (Hà Nội), người dân đổ xô đi mò cổ vật ở Quảng Ngãi…chỉ là những hiện tượng gần đây nhất khiến dư luận nhớ lại hàng chục câu chuyện của quá khứ. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta đã có Luật Di sản Văn hóa, song áp dụng vào thực tiễn đến đâu?
Chưa phát huy vai trò cộng đồng
Sau những sự việc gây ầm ĩ dư luận vừa qua, ngày 7/10, Hội Di sản Văn hóa Thăng Long đã tổ chức một hội thảo với chủ đề “Vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thăng Long-Hà Nội”. Hội thảo là kết quả của cuộc khảo sát thực tế, trao đổi tọa đàm tại các quận huyện và các khu di tích lịch sử và thắng cảnh trong địa bàn thành phố Hà Nội.
Nhiều nhà nghiên cứu di sản văn hóa, nhà quản lý đã đồng nhất quan điểm về tầm quan trọng của cộng đồng cư dân, những chủ thể của di sản trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong đời sống hôm nay.
TS Lưu Minh Trị- Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long- Hà Nội cho biết: Hiện nay Thủ đô Hà Nội có hơn 5000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 di tích được tổ chức UNESCO ghi danh và hơn 1000 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Trong kho tàng di sản văn hóa đồ sộ đó, thì nhân dân, dòng họ, cộng đồng chính là chủ thể đã xây dựng các công trình tín ngưỡng- tôn giáo để thờ cúng tổ tiên, tổ nghề và người có công với nước. Đồng thời, chính người dân và cộng đồng đang giữ gìn, tôn tạo và phát huy di sản truyền thống mà cha ông để lại. Tuy nhiên, chính sự áp dụng các chính sách quản lý của chính quyền đã không hợp lý, không đến được nhân dân, chưa phát huy được vai trò của nhân dân.
TS Lưu Minh Trị khẳng định: “Thời gian qua Nhà nước tăng cường quản lý và cộng đồng tham gia bảo tồn văn hóa thì người dân tham gia rất tốt, tu bổ rất tốt nhưng thiếu sót là có, như ở Chùa Trăm Gian là có nhưng ở mức nhất định thôi. Chúng tôi muốn báo động cho xã hội rằng sự nghiệp bảo tồn phát triển di sản là của Nhà nước và nhân dân nhưng vai trò của nhân dân rất quan trọng. 60% -70% nguồn đầu tư tu bổ di tích là của cộng đồng nhưng phải có quản lý Nhà nước. Nếu không thì sẽ dẫn đến tình trạng đáng tiếc như nhiều di tích vừa qua. Còn Nhà nước càng quản lý, hướng dẫn đầy đủ thì việc bảo vệ, tu bổ càng tốt hơn”.
Cần cái bắt tay giữa cơ quan quản lý và nhân dân
Trên thực tế các trường hợp người dân tự ý tu sửa di tích phần lớn đều do một nguyên nhân, đó là di tích xuống cấp trầm trọng, thời gian xin phép tu bổ di tích kéo dài khiến người dân (đại diện giữ gìn di tích) không đủ kiên nhẫn chờ đợi. Bởi vậy, khi có kinh phí, người dân đã tự ý tu sửa theo ý chí chủ quan của họ là sao cho di tích khang trang hơn, to đẹp hơn. Trong khi thiếu kinh phí để trùng tu di tích vẫn là vấn đề nan giải của các cơ quan quản lý thì nếu có sự bắt tay giữa cơ quan quản lý và nhân dân, bài toán này sẽ được giải.
PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng: “Trong tất cả các lĩnh vực khi xảy ra sự việc gì đó đừng trách dân, vì dân mà làm sai là có một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Ở việc bảo tồn di sản, lỗi của các cơ quan quản lý là đã không hướng dẫn người dân, không giáo dục di sản, không nâng cao nhận thức cho họ. Còn khi người dân đã biết rồi thì tôi tin họ sẽ không bao giờ làm sai cả. Song song với phát huy vai trò của cộng đồng thì tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, không khoán trắng cho dân, đưa ra những chính sách phù hợp với tình hình là điều cần thiết để bảo tồn di sản”.
Với thực tế của việc quản lý và bảo tồn di tích hiện nay, đã đến lúc chúng ta phải xây dựng một đề án về việc tuyên truyền, định hướng và nâng cao hiểu biết cho cộng đồng về những giá trị kiến trúc- nghệ thuật đích thực để tránh việc chạy theo “mốt” ngoại lai khi trùng tu làm biến dạng di tích.
Bên cạnh đó, làm thế nào để hướng dẫn, giáo dục và giúp cộng đồng hiểu rõ vai trò của mình đối với nhiệm vụ giữ gìn tài sản của cha ông cũng vô cùng cần thiết.
Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO đánh giá cao sự tham gia của người dân trong việc thực hành, truyền dạy và bảo vệ di sản văn hóa, coi đó là nguồn lực quan trọng nhất có tính quyết định trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa. Trong Công ước bảo vệ đa dạng văn hóa 2003, UNESCO đã khẳng định “Không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng”. Thiết nghĩ, điều này cũng cần được các cơ quan quản lý đề cao hơn nữa trong thời gian tới.