Hiện nước ta đã có 16 di sản được UNESCO vinh danh ở tầm thế giới, với hơn 4 vạn di tích và danh lam thắng cảnh, cùng số lượng di sản phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng. Nếu biết xây dựng thương hiệu cho di sản, chúng ta sẽ có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Nhưng chúng ta đang phải tìm lời giải cho bài toán khó: vừa bảo tồn di sản vừa phát triển du lịch, vẫn luôn luôn là một ẩn số...
Thách thức với di sản khi khai thác du lịch
Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh 2 lần, và mới đây lại được vinh danh là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Tất cả những điều đó đã khiến cho vịnh Hạ Long là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất về môi trường, đặc biệt là mâu thuẫn giữa các đối tượng khai thác du lịch. Thực tế bảo tồn và phát triển vịnh Hạ Long cho thấy hệ thống rừng ngập mặn vốn là hàng rào bảo vệ cho Hạ Long ở ven bờ hầu như bị hủy hoại hoàn toàn..., các rạn san hô cũng suy kiệt dần. Hạ Long vẫn là một điểm đến chưa tạo ra độ tin cậy thật sự khi tình trạng lộn xộn tại cảng tàu, chất lượng dịch vụ chưa được kiểm soát... Sự ô nhiễm quá mức bởi phát triển du lịch ở vịnh Hạ Long đã khiến UNESCO đã phải đưa ra khuyến cáo đối với Di sản Thiên nhiên thế giới hai lần được vinh danh này.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng cho rằng, di sản văn hóa ở Việt Nam đang được khai thác để phục vụ du lịch một cách quá đà, thiếu tính bền vững. Rất nhiều di sản được UNESCO công nhận đã thu hút lượng khách lớn kéo theo việc gia tăng giá trị kinh tế. Đôi khi, lợi nhuận kinh tế đã khiến di sản bị méo mó.
Những năm qua, các địa phương đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và tổ chức các sự kiện nhằm biến các lợi thế, tiềm năng của di sản thành một trong những nguồn lực thu hút khách du lịch. Có thể kể đến những sự kiện lớn như: Festival Huế, Carnaval Hạ Long, Đêm rằm phố cổ Hội An… hay một số tour tổ chức quy mô lớn như: Du lịch về cội nguồn của ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai, Con đường di sản miền Trung… Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và nhà quản lý du lịch, phần lớn các địa phương chỉ quan tâm nhiều đến “bề nổi”, mà chưa chú trọng vào chiều sâu.
Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Hữu Toàn cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, nhiều khi sự phát triển của du lịch gây những ảnh hưởng tiêu cực đối với di sản. Đối với những di sản vốn đã tồn tại trước nhiều thách thức thì khi du khách thu hút tới các di sản đông hơn thì chính hoạt động của du khách sẽ có những tác động vừa tích cực vừa tiêu cực tới di sản.
Các di sản thế giới ở Việt Nam đứng trước thách thức: môi trường xuống cấp, ảnh hưởng đến mục tiêu phát huy di sản để phát triển du lịch.
"Không nên bán rẻ tài nguyên du lịch" - đó là khuyến cáo của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - tầm nhìn mới” vừa tổ chức tại Quảng Ninh. Còn đối với các di sản văn hóa phi vật thể như: cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ, hội Gióng… cũng đang chới với giữa ranh giới bảo tồn và sự cám dỗ của việc phát triển du lịch. Những lễ hội cồng chiêng được tổ chức chỉ để làm hài lòng du khách, chấp nhận phá vỡ “lề, thói” của quan họ để tạo ra kỷ lục Ghi-nét với hơn 3.000 người hát… là những hiện tượng phản cảm khiến các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa không thể không lên tiếng. TS. Nguyễn Thị Minh Lý – Hội Di sản Việt Nam cho rằng, đối với một số di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể, những người quản lý văn hóa nhiều khi phải học cách tôn trọng di sản. Những người quản lý di sản cũng phải có những biện pháp mạnh mẽ để lên tiếng trong những trường hợp khai thác du lịch ảnh hưởng đến di sản cũng phải có kiến nghị kịp thời, phải biết nói không, biết từ chối với những hành động ảnh hưởng đến di sản.
Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế là do bị khai thác du lịch một cách cẩu thả, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh trong cả nước xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta chưa có quan niệm đúng về việc khai thác du lịch ở các di sản.
Theo ông Phạm Trung Lương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) thì di sản một khi đã được vinh danh thì không còn là tài sản của riêng một địa phương, của một nước mà của cả nhân loại. Bởi vậy, UNESCO nhận định, di sản đó cần được giới thiệu cho công chúng càng nhiều càng tốt. Nhưng với đặc thù di sản dễ bị tổn thương và có thể bị biến mất rất nhanh, nên việc gìn giữ và phát huy là vô cùng khó. Chúng ta chưa có cách làm thực sự chuyên nghiệp, thiếu cơ sở khoa học, dẫn đến những tác động không mong muốn đối với di sản khi khai thác du lịch. Tuy nhiên, việc không phát triển du lịch để bảo tồn di sản không phải là một cách làm hay.
Là người gắn bó lâu năm với di sản văn hóa Huế, kiến trúc sư (KTS) Phùng Phu - nguyên Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhấn mạnh: bản thân di sản là một giá trị để phát triển. Chính vì thế phát triển du lịch là phải bảo vệ những giá trị đích thực của di sản và cần có một cái nhìn tổng thể, phải coi bảo vệ di sản và phát triển du lịch bền vững là làm cái bánh to, chứ không phải là nhiều cái bánh. Khi Festival Huế được tổ chức hai năm một lần, lượng khách đến Phong Nha - Kẻ Bàng, Mỹ Sơn và Hội An tăng lên, nguồn thu của các địa phương đều tăng lên. Đó là sự kết nối, chứ không phải là sự dàn trải. Không địa phương nào không đứng trước thách thức của bài toán bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Điều quan trọng nhất là phải hiểu được rằng chỉ có bảo tồn tốt thì mới phát triển du lịch bền vững.
Du lịch nâng tầm di sản
Phải đẩy mạnh liên kết trong phát triển du lịch, chú trọng phát huy sức mạnh cộng đồng và phát triển du lịch xanh. Đó là những định hướng mà ngành Du lịch đề ra để nhằm khai thác có hiệu quả và quảng bá giá trị của các di sản.
Di sản muốn tồn tại được phải gắn với cộng đồng. Để giải quyết tốt bài toán giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch, chúng ta phải làm cho những người dân trong cộng đồng được hưởng lợi từ di sản. Chỉ có việc gắn tốt với cộng đồng thì người ta mới bảo vệ di sản được tốt và từ việc bảo vệ di sản được tốt thì du lịch nó mới vào và mới khai tốt được các di sản đó.
Người dân Hội An giàu lên nhờ biết làm du lịch từ bảo tồn tốt các di sản là một thực tế. Người dân Hội An đang chủ động tham gia vào quá trình gìn giữ và phát huy di sản. Họ coi di sản Hội An là của chính họ, gắn bó với đời sống của chính họ. Phát huy sức mạnh của cả cộng đồng để bảo tồn di sản, từ đó phát triển du lịch bền vững. Càng ngày người Hội An càng tự hào họ là công dân của Hội An và người ta tham gia rất tự nguyện, tích cực vào việc bảo tồn di sản ở đây.
Liên kết chính là phương châm "sống" của ngành Du lịch. Nhưng liên kết lại là khâu yếu nhất của ngành Du lịch so với các nước trong khu vực. Trong thời gian tới, ngành Du lịch cần đặc biệt chú trọng để tạo nên sự liên kết thực sự. Ngành Du lịch là ngành chịu tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa. Chính vì thế, "du lịch xanh" là xu hướng tất yếu mà chúng ta cần ưu tiên nhằm vừa bảo tồn các giá trị văn hóa, vừa thu lợi từ du lịch. Việc bảo tồn di sản và phát triển du lịch cần có một cái nhìn tổng thể, theo hướng lâu dài, bền vững, tránh căn bệnh "chụp giựt", "ăn liền".
Không thể có một giải pháp áp dụng cho tất cả các di sản, các địa danh. Mỗi di sản của của Việt Nam đòi hỏi một cách làm uyển chuyển và sáng tạo khác nhau - bà Katherin Muller - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải nỗ lực để các di sản "sống" trong thời kỳ hiện đại mà không bị “bóp méo”. Nếu chúng ta làm thay đổi quá nhiều di sản, nó sẽ không còn là chính nó nữa và mất đi sự quan tâm của du khách với di sản. Điều quan trọng là phải nỗ lực để đạt được sự cân bằng trong trong việc gìn giữ, phát huy di sản và phát triển du lịch.
Di sản văn hóa không chỉ là sức mạnh nội sinh tiềm tàng nhất của truyền thống văn hóa, mà còn là một trong những nguồn lực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nhận thức đúng và có một chiến lược đầu tư bài bản trong việc khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam là một hướng đi đúng và cần thiết, nhằm “kích cầu” du lịch và thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam.