Hà Giang: Ban hành Quy chế quy định quản lý, bảo vệ và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

Cập nhật: 16/10/2012
Mới đây, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quy chế quy định quản lý, bảo vệ và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn bao gồm các di sản địa chất, di sản văn hóa, đa dạng sinh học, các cá nhân, các tổ chức, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, bảo tồn, tôn tạo và phát triển trong khu vực Công viên địa chất.

Theo đó, nội dung quản lý, gồm:

Giá trị di sản địa chất: Bao gồm tất cả các di sản cấu trúc - kiến tạo, di sản địa mạo, di sản hang động, di sản cổ sinh, địa tầng, cổ môi trường; được thể hiện dưới dạng các di sản cụ thể cảnh quan địa hình đơn nghiêng, hoang mạc đá, các hố sụt, các bề mặt san bằng, các hệ thống hang động karst, các hoá thạch cổ sinh, nằm trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Giá trị di sản văn hoá: Bao gồm tất cả các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống; các phong tục tập quán đặc trưng; các kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian của các dân tộc thiểu số, các di vật, khảo cổ học, bảo vật quốc gia lưa giữ trong nhân dân hoặc chưa khai quật trong lòng đất, dưới mặt nước và tất cả các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác thuộc khu vực Công viên địa chất.

Giá trị tài nguyên thiên nhiên: Tài nguyên thiên nhiên bao gồm các hệ sinh thái động, thực vật, cảnh quan, khoáng sản, đất, nước, rừng...trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Cũng theo Quy chế, các hành vi bị nghiêm cấm, gồm:
Khai thác, phá đá đặc biệt là tại những vùng có nhiều giá trị di sản địa chất đã được xếp hạng cấp quốc gia, quốc tế (trừ các vị trí mỏ (đá) nằm trong quy hoạch khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường được điều chỉnh sau khi Quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được cấp có thẩm quyền cấp phép).

Các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác không theo quy định của pháp luật; làm thay đổi cảnh quan môi trường, hệ sinh thái trong khu vực di sản Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ thu mua săn bắn các loại động vật, thực vật trái phép; khai thác, kinh doanh mẫu vật di sản địa chất, di vật, bảo vật, cổ vật quốc gia trong khu vực Công viên, địa chất không theo quy định của pháp luật.

Vận chuyển trái phép hàng hoá chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy.

Phá hoại các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát triển Công viên Địa chất.

Các hành vi khác xâm hại đến các di sản địa chất, làm thay đổi môi trường cảnh quan gây ảnh hưởng xấu đến Công viên địa chất như: khai thác các loại vật liệu xây dựng, đập phá đá và thạch nhũ tại các hang động; đốt, chặt, phá, bẻ, khắc, vẽ đối với cây, vách đá hoặc có các hành vi khác làm biến dạng các di sản địa chất.

Tuyên truyền, phổ biến, trình diễn sai lệch nội dung và giá trị của di sản; làm thay đổi các yếu tố nguyên gốc của di sản; tu bổ, phục hồi không đúng với các yếu tố nguyên gốc của di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Lợi dụng lễ hội để tuyên truyền, kích động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; gây mất an ninh trật tự; tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, phục hồi hủ tục lạc hậu; các hình thức thương mại hoá hoạt động lễ hội; xuyên tạc áp đặt các nghi thức, kết cấu mới vào lễ hội truyền thống; tổ chức các dịch vụ sinh hoạt, ăn nghỉ và tín ngưỡng trái pháp luật;

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định quản lý, bảo vệ và phát triển công viên địa chất được quy định tại quy chế này và các quy định của Pháp luật

Phá vỡ kiến trúc đặc trưng của dân tộc trong vùng công viên địa chất.

Quy chế cũng quy định việc đầu tư và phát triển công viên địa chất; các hoạt động trong công viên địa chất; trách nhiệm quản lý, bảo vệ, bảo tồn tôn tạo và phát triển các di sản trên công viên địa chất.

HCTC

 

Nguồn: Văn phòng - Bộ VHTTDL