Tăng cường bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam

Cập nhật: 17/10/2012
Chiều ngày 15/10, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức hội thảo "Tăng cường bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam". Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường T.S Nguyễn Thế Đồng tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự còn có đại diện các Bộ, ngành và địa phương, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ trong nước, quốc tế và các chuyên gia.

Tình hình thực tế hiện nay đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị suy thoái. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy thoái này nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép và không bền vững các loài động vật hoang dã (ĐVHD) trong đó nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm bị suy giảm quần thể nghiêm trọng và đã hoặc đang phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng.

 Theo số liệu từ Sách Đỏ Việt Nam số loài động vật nguy cấp, quý hiếm tăng từ 365 (năm 1992) lên 418 (năm 2007), trong đó có 116 loài đang ở mức nguy cấp rất cao và 9 loài chuyển từ các mức nguy cấp khác nhau (năm 2004) lên mức coi như đã tuyệt chủng (trong số 9 loài này có tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá sấu hoa cà, hươu sao). Theo báo cáo của WWF cá thể tê giác một sừng cuối cùng của Việt Nam cũng đã bị duyệt vong. Loài hổ hiện nay của Việt Nam ước tính chỉ còn khoảng 30 cá thể phân bố rác rác tại một số vườn quốc gia, khu bảo tồn dọc biên giới với Lào và Campuchia.

Phát biểu tại hội thảo, T.S Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết sự biến mất và suy giảm các loài do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong  đó, một trong những nguyên nhân chính là nạn buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã.

Nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép đã trở thành một vấn đề nóng trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học. Các hành vi tiêu thụ, buôn bán động vật hoang dã ngày càng tinh vi, có tổ chức. Các lực lượng kiểm lâm, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, cảnh sát môi trường…đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt như mong đợi.

Trước thực trạng này, cần có những sự thay đổi mạnh mẽ trong cam kết, hành động để có thể bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng, những thách thức, xác định các hành động và giải pháp đối với công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã ở Việt Nam. 

Nguồn: vea.gov.vn