Lần đầu tiên đến làng chài Cửa Vạn cách đây gần ba năm, Giáo sư Cô-gi Ốt-xư-ca (Koji Otsuka) thuộc Trường Đại học phủ Ô-sa-ca nhận thấy, khác với nhiều làng chài ở Nhật Bản, Cửa Vạn có số lượng nhà trên biển nhiều hơn, diện tích rộng hơn và xa bờ nhất.
Dù xa bờ nhất nhưng môi trường nước ở đây đang bị xấu đi. Nguyên nhân là do nước thải mỏ, do nước thải từ các tàu du lịch và do nhận thức bảo vệ môi trường của người dân làng chài còn hạn chế. Đây cũng chính là những lý do khiến Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) quyết định triển khai Dự án “Bảo vệ môi trường Hạ Long” và Dự án “Hỗ trợ xây dựng hệ thống tuần hoàn tài nguyên có sự tham gia của người dân địa phương tại Vịnh Hạ Long”.
Các đoàn viên thanh niên và cán bộ chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thu gom rác thải trên bờ Vịnh Hạ Long.
Dự án được tập trung vào hai làng chài Cửa Vạn và Vung Viêng. Trong giai đoạn đầu, dự án có tổng kinh phí khoảng 50 triệu yên (khoảng hơn 13 tỷ đồng), được tiến hành trong thời gian từ tháng 10-2009 đến 9-2012 với mục tiêu cải thiện môi trường và xây dựng cộng đồng bền vững quanh Vịnh Hạ Long. Sau 3 năm thực hiện, dự án đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tập trung vào các nội dung: Điều tra thực trạng rác có sự tham gia của người dân; giảm lượng rác thải bằng cách chế biến thành phân hữu cơ; tập huấn thủ lĩnh hoạt động môi trường; giáo dục môi trường. Từ đó, đã tăng cường nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống tuần hoàn tài nguyên trong đó có sự tham gia của cộng đồng dân cư, xây dựng xã hội có tính bền vững và nâng cao chất lượng môi trường Vịnh Hạ Long. Theo sự hướng dẫn của các chuyên gia JICA, các gia đình ở Cửa Vạn đều đặt 3 thùng rác khác nhau, trong đó thùng màu xanh để rác hữu cơ, màu vàng để rác vô cơ còn thùng inox thì để xỉ than. Rác vô cơ, xỉ than sau khi gom lại sẽ được đơn vị dọn vệ sinh môi trường chở đến đảo Ti-tốp để xử lý hoặc đưa vào đất liền. Còn rác hữu cơ được tận dụng triệt để bằng cách ủ làm phân bón để chăm sóc cây xanh trên đảo. Bên cạnh đó, người dân còn được các chuyên gia của JICA hướng dẫn cách sử dụng giẻ rửa bát mới. Nếu như người dân ở thành phố sử dụng những mảnh lưới nhỏ làm giẻ rửa bát thì người dân làng chài Cửa Vạn lại được hướng dẫn sử dụng giẻ len Acrylic. Ngoài lợi ích tiết kiệm chất tẩy rửa, sử dụng giẻ len Acrylic còn giúp tiết kiệm nước ngọt, nguồn tài nguyên quý của bà con làng chài.
Đặc biệt, JICA cũng hướng tới thế hệ trẻ và các chủ tàu du lịch, lực lượng chủ đạo trong việc bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long. Theo đó, các học sinh làng chài Cửa Vạn cũng như các thuỷ thủ trên tàu du lịch được hướng dẫn cách sử dụng đĩa Secchi, một vật dụng quan trắc đơn giản để đo độ đục, độ trong của nước biển, qua đó biết được nước biển bị ô nhiễm ở mức độ nào. Ngoài việc hướng dẫn người dân thay đổi để có thói quen sống bền vững, thân thiện với môi trường, JICA đã phối hợp với đối tác Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động lý thú nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân Hạ Long, như tổ chức 900 buổi giao lưu văn nghệ; 1.930 buổi toạ đàm, diễn đàn, sinh hoạt liên quan đến bảo vệ môi trường; gần 500 buổi ra quân làm sạch môi trường Vịnh Hạ Long…
Theo giáo sư Cô-gi, mặc dù đã có sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức của người dân đối với bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, nhưng sự chuyển biến đó chưa thực sự đồng đều. Vì vậy, dự kiến trong giai đoạn hai của dự án với thời hạn 3 năm (từ 4-2013 đến 3-2016) đang được lập để trình JICA phê duyệt, Tổ chức JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh các dự án giúp xử lý triệt để các vấn đề gây ô nhiễm như: Dự án nhiên liệu sinh học giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng hệ thống bền vững cho môi trường Vịnh Hạ Long.