Cần trùng tu di sản theo định kỳ

Cập nhật: 19/11/2012
Trùng tu các di tích kiến trúc gỗ nhằm đảm bảo tính nguyên gốc là một đòi hỏi cực kỳ khó khăn, trong khi trên thực tế hầu hết các công trình kiến trúc gỗ ở Huế đang chịu tác động mạnh của thời tiết, cùng với đó là việc thiếu tư liệu gốc để nghiên cứu, phục dựng. Đây là những nhận định được đưa ra tại Hội thảo hợp tác Việt Nam – Nhật Bản về kiến trúc gỗ truyền thống lần thứ nhất – Huế, hôm 12/11.

Thiếu tư liệu để nghiên cứu, phục dựng

Theo lời TS. Trần Minh Đức, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung thì hiện nay công tác trùng tu di tích kiến trúc gỗ đang  gặp khó khăn, nhất là phân tích ảnh tư liệu. Nếu may mắn có ảnh thì có thể có được các thông số về cấu tạo bộ khung gỗ, tên vật liệu và cấu kiện, tỷ lệ các phần của công trình. Thậm chí có thể xác định (tính toán, đo) được kích thước cấu kiện. Hàng năm tại Huế có hàng trăm di tích kiến trúc gỗ truyền thống cần được đầu tư tu bổ, bảo tồn. Tuy nhiên việc hoàn chỉnh quy trình thiết kế cũng như các hướng dẫn kỹ thuật, chế độ chính sách quản lý ngày càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Nghiên cứu kiến trúc gỗ truyền thống là đề tài luôn được đặt ra đối với các nhà nghiên cứu và những người đang gánh vác trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là giới nghiên cứu bảo tồn ở các nước Đông Á. Việc hiểu rõ vật liệu, phương pháp chế tác, kết cấu và những tác nhân ảnh hưởng đến công trình gỗ sẽ là cơ sở quan trọng để những nhà bảo tồn thực hiện trách nhiệm lớn lao. Với Huế, một thành phố đang lưu giữ hai di sản văn hóa thế giới, ngoài các công trình kiến trúc gỗ thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESO công nhận là di sản văn hóa, Huế còn có một hệ thống các nhà Rường truyền thống không kém phần đặc sắc được các nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử đánh giá cao. Tuy nhiên, vấn đề nghiên cứu để bảo tồn và gìn giữ các công trình này vẫn đang là một thách thức, là nỗi niềm trăn trở của các nhà quản lý và chuyên môn ở tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Còn những quần thể di tích khác như Hội An, các làng cổ, làng nghề truyền thống thì số liệu ghi rất ít. Số liệu các nguồn phong cách kiến trúc và môtíp trang trí còn ít hơn. Nhiều thay đổi của công trình không được ghi nhận cùng thời điểm sự kiện lịch sử.

Nên trùng tu di sản theo định kỳ

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và quản lý đã trao đổi, thảo luận về kiến trúc gỗ truyền thống Nhật Bản để từ đó học hỏi kinh nghiệm và đề ra phương án bảo tồn, bảo quản. Ồng Mitsuhiko Nakamura, Giám đốc Điều hành Hiệp hội KTS và KSXD Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm về mục đích của Shikinen Sengu (việc xây dựng lại đền) được thực hiện theo chu kỳ 20 năm, nhằm tránh tình trạng bị hư hỏng xuống cấp sau một thời gian dài. Ngoài ra, một mục đích khác của Shikinen Sengu là thời gian 20 năm được xem là chu kỳ đảm bảo sự chuyển giao các kỹ thuật và kỹ năng truyền thống từ thế hệ này đến thế hệ tiếp theo, không có sự đứt đoạn giữa các thế hệ.

Đơn cử như Đại Đền Ise (Nhật Bản) gồm có 125 gian thờ với tên hiệu của các thần, trung tâm của Naiku (gian bên trong) để thờ Amaterasu-Omikami, vị thần tôn kính của gia đình hoàng tộc và Geku (gian bên ngoài) nơi thời Toyouke-Omikami, vị thần khắc chế lũ lụt…Vì thế khi tiến hành trùng tu, người thợ rất chú ý đến tác động của  khí hậu và việc gìn giữ hình thức căn bản của truyền thống Nhật Bản. Công trình này được đánh giá là có giá trị kiến trúc cao với việc sử dụng gỗ và nguyên liệu cỏ răng cưa, và cấu trúc vẫn để nguyên dạng tự nhiên của các vật liệu đó. Theo lời ông Mitsuhiko Nakamura, Việt Nam và Nhật Bản cần có sự hợp tác toàn diện trong công tác trùng tu các di tích kiến trúc gỗ truyền thống.

Trong khi đó đánh giá về quá trình trùng tu các di tích kiến trúc gỗ truyền thống thuộc quần thể di tích Huế, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã chỉ ra rằng, những khó khăn về thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến các công trình kiến trúc gỗ truyền thống. Theo TS. Phan Thanh Hải, trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích kiến trúc gỗ tại Huế, ngoài việc chú ý tới kết cấu gỗ truyền thống của Việt Nam, phải lưu tâm đặc biệt tới những tác động từ thời tiết, tới tổng thể của kiến trúc, nhất là mưa Huế thường kéo dài dẫn đến sự thấm dột, gây ẩm mục và hủy hoại liên kết của các cấu kiện gỗ bên trong. Do đó, cần chú trọng đặc biệt đến các giải pháp cho hệ mái. Cùng với đó, nền đất tự nhiên yếu do thường xuyên bị ngập lụt dẫn đến sự nghiêng lún cục bộ của nền móng kiến trúc, tác động xấu đến sự ổn định của kết cấu khung gỗ bên trên. Chính vì vậy, để kéo dài tuổi thọ của di tích kiến trúc gỗ, nền móng kiến trúc phải được gia cố một cách chắc chắn trong quá trình xây dựng hoặc tu bổ.

Trang Hạ

 

Nguồn: daidoanket.vn