Vừa qua, tại Hội thảo “Ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam” do Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Thế Chính Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã có tham luận phân tích về những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tới hoạt động du lịch ở Việt Nam cùng những giải pháp nhằm giảm nhẹ tác động của BĐKH đối với lĩnh vực này.
Trong tham luận của mình, PGS.TS Nguyễn Thế Chính cho rằng, BĐKH chính là sự thay đổi dị thường của thời tiết, không theo quy luật vốn có như trước đây.
Trong đó, biểu hiện cụ thể nhất đó là nhiệt độ chung của toàn cầu có xu hướng tăng dần đến băng ở Bắc cực, Nam cực và ở những đỉnh núi cao tan ra làm cho nước biển dâng, nhiệt độ tối cao, tối thấp theo mùa tăng và giảm rõ rệt. Điều này được biểu hiện bằng những ngày nắng nóng tăng cao và kéo dài ở mùa hè và mùa đông thì lạnh và kéo dài hơn.
BĐKH còn dẫn đến hoàn lưu của khí quyển thay đổi, làm cho lốc xoáy, áp thấp, bão hoạt động nhiều hơn, cường dộ mạnh tạo ra những trận mưa lớn và không theo quy luật. Chính những dị thường của BĐKH đã dẫn đến những tổn thất cho con người, thiên nhiên và kéo theo sự suy giảm của việc thích ứng với tự nhiên của con người. Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia chịu sự tác động nặng nề nhất của BĐKH. Những năm gần đây, do BĐKH đã gây ra những tổn thất lớn về người, tài sản, hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có hoạt động du lịch. Với vai trò là một trong những ngành kinh tế quan trọng, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong hoạt động du lịch sẽ góp phần giảm nhẹ tác động của BĐKH.
Và, PGS.TS Chính đưa ra dẫn chứng từ nghiên cứu của mình, đối với vùng núi Tây Bắc và Đông Bắc, do ảnh hưởng của BĐKH nên mưa phùn giảm vào các tháng chuyển tiếp từ mùa khô sang mùa mưa. Mùa mưa và mùa khô thiếu quy luật hơn, bắt đầu hoặc kết thúc có thể quá sớm hoặc quá muộn, mưa dồn dập hơn trong các tháng cao điểm của mùa mưa và tình trạng khô hạn, khốc liệt hơn trong các tháng cuối mùa khô…
Những biến đổi của thời tiết đã làm ảnh hưởng đến các ngành kinh tế trong khu vực như: gia tăng lũ lụt, ngập úng, hạn hán… dẫn tới ảnh hưởng tới mùa màng, tới môi trường sống, tới việc thiết kế và xây dựng các tour; là mầm mống gây ra các bệnh phá hoại cây trồng, vật nuôi như; tăng nguy cơ phát triển sâu bệnh, làm tăng chi phí sản xuất, giảm chất lượng cây trồng đặc biệt các dịch bệnh tràn lan như tai xanh; phát sinh các loại bệnh mới như: cúm H5N1, SAT, … khiến du khách lựa chọn các khu vực khác để tham quan nghỉ dưỡng. Đặc biệt, do ảnh hưởng của BĐKH nên các khu nghỉ mát như Sa Pa, Bắc Hà… mất đi phần nào tính hấp dẫn đối với du khách có nhu cầu nghĩ dưỡng ở vùng núi cao.
Đối với vùng Đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên là những khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi tác động của BĐKH. Bởi, theo tính toán, trên dải đồng bằng ven biển, mực nước biển tiếp tục tăng lên với tốc độ khoảng 0,5 – 0,6cm/năm, cao hơn các thập kỷ vừa qua. Nước biển dâng lên khiến diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp lại, thủy triều xâm nhập sâu hơn vùng đồng bằng cửa sông của đồng bằng Bắc bộ. Đồng thời, nước biển dâng đòi hỏi phải nâng cấp các công trình giao thông, cầu cảng ven biển và trên các đảo dẫn đến việc tốn kém cho các khoản chi phí này. Tiếp đó, nó còn làm ảnh hưởng tới điều kiện sống của người dân, phát sinh nhiều dịch bệnh mới gây thiệt hại trực tiếp cho hoạt động du lịch nhất là du lịch ven biển.
Theo PGS.TS Chính vì Du lịch là một nghề kinh tế hoạt động có tính đặc thù, phụ thuộc vào nhiều yếu tố và điều kiện tự nhiên nên BĐKH đã ảnh hưởng cả trực tiếp và dán tiếp tới hoạt động du lịch.
Ông cho rằng, nhận thức được vấn đề này sẽ góp phần giảm nhẹ tác động của BĐKH. Và, ông đề xuất 8 biện pháp mà ngành Du lịch cần hướng tới đó là: xây dựng kế hoạch về ứng phó với BĐKH; cần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp hoạt động du lịch, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý để có những hoạt động ứng phó với BĐKH; trong quy hoạch phát triển du lịch cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với từng vùng, nhất là vùng ven biển về ứng phó với BĐKH, trong đó cần chú trọng tới 2 yếu tố giảm thiểu và thích ứng; vấn đề sử dụng năng lượng theo xu hướng của thế giới đó là hướng tới sự phát triển một nền kinh tế “Các -bon thấp” thông qua việc sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, các nguồn năng lượng tái tạo; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường; thiết kế và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đầy đủ tại các cơ sở kinh doanh lưu trú nhất là khu vực ven biển, tăng cường hệ thống cây xanh ven biển, hầm trú ẩn và nhà kiên cố… nhằm giảm nhẹ tác động của BĐKH; cần phối hợp với các Bộ ngành và địa phương nhằm liên kết các hoạt động giảm nhẹ tác động của BĐKH; học hỏi kinh nghiệm quốc tế và trao đổi thông tin, tìm sự hỗ trợ của quốc tế trong việc ứng phó với BĐKH trong hoạt động du lịch. Trước mắt cần xây dựng chương trình cụ thể để tận dụng nguồn vốn tài trợ cho BĐKH (SC-RCC) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì và điều phối.
Đối với ngành Du lịch, việc giảm nhẹ tác động của BĐKH là nội dung cần phải triển khai sớm và kịp thời, trong đó cần phải hiểu rõ những tác động của BĐKH đối với hoạt động du lịch để từ đó có chương trình cụ thể mang tính chất chiến lược lâu dài để đảm bảo được các yếu tố giảm thiểu và thích ứng.
Đoàn Hoa lược ghi