Bảo vệ, phát triển rừng ở cao nguyên đá Đồng Văn

Cập nhật: 20/12/2012
Sau 4 năm (2009 - 2012) triển khai thực hiện, dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ.

Dự án đã góp phần nâng độ che phủ rừng, bảo tồn các loài thực vật quý hiếm; duy trì được nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, dự án đã góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tạo không gian xanh cho vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Thông qua chính sách hỗ trợ gạo cho các hộ nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng sản xuất, đã giải quyết được một phần vấn đề an ninh lương thực trong những ngày giáp hạt cho bà con dân tộc thiểu số sống liền kề với rừng.

Là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc địa đầu của Tổ quốc, Hà Giang có 6/11 huyện, thành phố thuộc diện huyện nghèo, đặc biệt khó khăn, diện thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ; trong đó, có 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Nơi đây có địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, độ dốc lớn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, thiếu đất, thiếu nước sản xuất. Đây là nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, toàn vùng có trên 60% số hộ thuộc diện đói nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt dưới 3 triệu đồng/năm.

Ngày 20/1/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang với mục tiêu là hỗ trợ tiền, gạo cho người dân trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, cây dược liệu và trồng cỏ chăn nuôi. Thông qua dự án nhằm bảo vệ, phát triển vốn rừng và góp phần duy trì, đảm bảo đời sống nhân dân, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Từ năm 2009 đến hết năm 2012, dự án đã giao khoán, quản lý, bảo vệ được trên 319.000 lượt ha rừng; giao khoán khoanh nuôi phục hồi rừng được trên 106.000 lượt ha; trồng mới được trên 11.000ha rừng và thực hiện lồng ghép với dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 2008-2010 được 8.720 ha; chăm sóc được gần 16.000 lượt ha rừng; trồng rừng cảnh quan (rừng phòng hộ môi trường) được 500ha; cải tạo và nâng cấp được 8 vườn ươm cung cấp cây giống trồng rừng cho vùng dự án tại 4 huyện trên Cao nguyên đá.

Tại 4 huyện đã xây dựng được 429 bảng nội quy, 1.509 bảng, biển báo tuyên truyền bảo vệ rừng. Các biển báo này được cắm tại các khu rừng thuộc dự án nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về việc quản lý, bảo vệ rừng; lợi ích và trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Từ việc triển khai thực hiện dự án, 100% các thôn, bản tại 4 huyện trên Cao nguyên đá đã xây dựng được hương ước bảo vệ rừng.

Với mục tiêu hỗ trợ tiền, gạo cho bà con dân tộc thiểu số thực hiện dự án trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng và trồng rừng, từ năm 2008 đến nay, dự án đã cấp gần 6.500 tấn gạo, đạt 100% kế hoạch giao.

Mặc dù thời gian cấp gạo được tập trung vào thời điểm giáp hạt là tháng Ba, tháng Tám và tháng 11 hàng năm, lúc đó thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, đường vùng cao đi lại khó khăn, song toàn bộ số gạo đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang và Ủy ban Nhân dân 4 huyện vùng cao phía Bắc triển khai cấp gạo đầy đủ, đảm bảo an toàn, chính xác.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, cho biết: Sau 4 năm triển khai thực hiện dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng trên Cao nguyên đá đã nâng độ che phủ rừng của toàn vùng từ 30,9% lên 39,7%, đạt 56% so với mục tiêu của dự án đề ra đến năm 2015 là 46,7%. Dự án đã từng bước cải thiện môi trường sinh thái trong vùng và khu vực lân cận. Bảo tồn các loài thực vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như: Thông đỏ, bách vàng, bách xanh, tùng la hán... Thông qua dự án đã hình thành ý thức bảo vệ rừng trong từng bà con dân tộc thiểu số ở địa phương, đặc biệt là ý thức bảo vệ rừng cộng đồng. Đến nay, ở các địa phương này không còn tình trạng phá rừng tràn lan, số vụ cháy rừng giảm mạnh; công tác phòng chống cháy rừng đã được đông đảo nhân dân cùng tham gia.

Tổng nguồn vốn dự án đã hỗ trợ cho bà con là gần 148 tỷ đồng; bình quân mỗi hộ nhận trên 1 triệu đồng/hộ/năm. Ngoài ra, các hộ tham gia dự án còn được nhận gần 6.500 tấn gạo (bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 50 kg gạo/năm). Đây là nguồn hỗ trợ đáng kể đối với đời sống của bà con dân tộc thiểu số tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của Hà Giang còn nhiều khó khăn, từng bước góp phần cải thiện đời sống vật chất của hộ gia đình. Dự án đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo tại 4 huyện trên Cao nguyên đá. Trên 4.583 ha rừng trồng sản xuất khi khai thác sẽ cung cấp trên 275.000m3 (tính bình quân 60m3/ha) sẽ là nguồn thu đáng kể về chất đốt, gỗ gia dụng đối với các hộ gia đình.

Thông qua chính sách hỗ trợ gạo cho các hộ nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng sản xuất đã được đông đảo bà con các dân tộc thiểu số nhiệt tình ủng hộ rất cao. Gạo hỗ trợ được cấp phát vào các thời điểm giáp hạt giúp người dân không bị đói vào thời gian khó khăn nhất.

Dự án đã thu hút được trên 28.000 hộ gia đình trên địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của Hà Giang tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho trên 50.000 lao động. Các chính sách hỗ trợ của dự án đối với bà con dân tộc thiểu số đã cho thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các dân tộc ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Có thể nói, đây là một dự án mang tính xã hội cao, các chính sách được nhân dân đồng tình cao và tích cực tham gia. Dự án được triển khai thực hiện đã từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp mang tính bền vững. Dự án cũng đã góp phần hạn chế được tình trạng người dân vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động tự do, gây mất trật tự an ninh vùng biên giới.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang: Phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2013-2015, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của rừng; nguồn lực đất đai, lao động, vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách của dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng trên Cao nguyên đá. Nhờ thực hiện có hiệu quả các mục tiêu dự án đã đề ra, 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của Hà Giang từng bước vươn lên, đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, xứng đáng với vị trí quan trọng ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc./.

Minh Tâm

 

 

 

Nguồn: : TTXVN