Ngày 3-1, Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO) hoan nghênh nghị quyết vừa được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua công nhận du lịch sinh thái là 'chìa khóa” trong cuộc chiến chống đói nghèo, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Ở ta, nhiều địa phương như 'tỉnh dậy” sau giấc ngủ dài ngay trên mảnh đất đầy tiềm năng có thể khai thác du lịch sinh thái, có thể ví như những 'mỏ vàng” hé lộ.
Đó là khu du lịch Đảo cò ở Hải Dương có hệ sinh thái phong phú độc đáo nhất khu vực miền Bắc, hay rừng cây Pơmu nguyên sinh hàng ngàn cây cổ thụ ở Quảng Nam… đều có thể phát triển du lịch sinh thái, loại hình ngày càng được nhiều người quan tâm.
Đầy tiềm năng sinh thái
Đảo cò thuộc xã Chi Lăng Nam, Thanh Miện, Hải Dương hiện có khoảng 16.000 con cò và hơn 5.000 con vạc tập trung sinh sống trên 3 dải đất nổi giữa lòng hồ. Ngoài 9 loại cò trắng, cò lửa, cò hương, cò nghênh, cò ngang, cò ruồi, cò diệc, cò bợ, cò đen và 3 loại vạc xám, vạc xanh, vạc đen có nguồn gốc từ Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ, Nepal, đảo còn là nơi trú ngụ của rất nhiều loại chim khác như diệc xám, chim chả, bói cá, bồng chanh, cuốc, cú mèo…Lòng hồ An Dương cũng là nơi sinh trưởng của rất nhiều loài cá, thủy sản khác mà một số loài còn có tên trong sách đỏ Việt Nam như tổ đỉa, rái cá.
Cần Giờ từng là vùng đất một thời thường phải cứu đói, nhất là vào mùa giáp hạt hay dịp Tết cổ truyền, song từ cuối thập niên 1990, khi con tôm sú nuôi thành công ở đây đã thu hút nhiều nhà đầu tư từ nội thành và các tỉnh khác đến, Cần Giờ đã "tỉnh dậy” sau giấc ngủ dài và đã thành công khi khai thác du lịch sinh thái trên mảnh đất đầy tiềm năng, đó là lợi thế của vùng ven biển để nuôi tôm nước lợ, có khu rừng ngập mặn hơn 30.000ha.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khang - nguyên Trưởng khoa Sinh hóa, Trường CĐ Sư phạm Hải Dương, người đầu tiên phát hiện giá trị sinh thái của Đảo cò, đây là khu dự trữ thiên nhiên có mức độ đa dạng sinh học lớn và được bảo tồn gần như nguyên vẹn duy nhất ở khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm khai thác du lịch, hệ sinh thái ở đây đang đứng trước nguy cơ suy thoái nghiêm trọng do chưa có chiến lược phát triển, quy hoạch đồng bộ. Tỉnh Hải Dương mới đây đã phê duyệt Đề án xây dựng mô hình điểm "Phát triển du lịch cộng đồng ở Đảo cò xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện đến năm 2020” kinh phí trên 15 tỉ đồng, mong muốn đây là điểm đến lý tưởng của du khách, phát triển du lịch bền vững, bảo vệ được cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học, góp phần làm giàu quê hương.
Cách trung tâm huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) 35km về phía Tây, thuộc địa phận 2 xã Tr’Hy và Axan, có một khu rừng cây Pơmu lớn vừa được chính quyền địa phương phát hiện và kiểm đếm. Ông Bh’riu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết: Huyện đang chuẩn bị hoàn thành hồ sơ đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận rừng Pơmu Tây Giang là cây di sản Việt Nam.
Nơi đây là tâm điểm cư ngụ của tộc người Cơ Tu giữa trung Trường Sơn hùng vĩ, nơi còn lưu giữ nhiều văn hóa vật thể, phi vật thể quý báu của cộng đồng dân tộc Cơ Tu. Để bảo vệ rừng cây quý hiếm này, huyện Tây Giang đã tổ chức đánh số, lập tổ bảo vệ rừng với 29 người, dựng lán trại trong rừng để bảo vệ. Trong số 1.037 cây Pơmu đã được đánh số, cây to nhất có đường kính 2,5m tầm 6 người ôm, cao 22m… Nếu được bảo vệ và có kế hoạch khai thác cụ thể, khu rừng này sẽ mở ra cơ hội phát triển du lịch cho người dân và huyện Tây Giang. Bí thư huyện ủy khẳng định: "Chúng tôi quyết tâm bằng mọi khả năng có thể, sẽ giữ lấy rừng như giữ chính mái ấm của mình, như giữ chính lá phổi của chúng tôi, giữ "vương quốc Pơmu” Tây Giang không đơn côi một mình, trong tương lai không xa sẽ là điểm đến của những con người biết yêu rừng, quý rừng, giữ cây, xem cây rừng chính là sự sống còn của con người”.
Du lịch sinh thái xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường
Theo dự báo của Hiệp hội Du lịch Mỹ (USTOA) cho biết, mới đây, Việt Nam đứng thứ 2 trong số các điểm đến mới nổi được du khách quốc tế lựa chọn cho năm 2013. Một trong những lý do đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong năm 2013 không thể thiếu là du lịch sinh thái đã được khai thác hợp lý.
Trở lại với nghị quyết "Thúc đẩy du lịch sinh thái nhằm xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường” vừa được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 21-12-2012, kêu gọi tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc áp dụng các chính sách đẩy mạnh du lịch sinh thái, nhấn mạnh tác động tích cực của du lịch sinh thái, góp phần vào cuộc chiến chống nghèo đói ở các quốc gia.
Nghị quyết này tiếp tục khẳng định du lịch sinh thái sẽ tạo nhiều cơ hội quan trọng cho việc bảo tồn, bảo vệ và sử dụng các loài sinh học cũng như các khu vực tự nhiên bền vững, khuyến khích các cộng đồng địa phương và bản địa ở nước sở tại, cũng như khách du lịch cùng nhau bảo vệ, tôn trọng và gìn giữ các di sản thiên nhiên và văn hóa. Đề nghị ngành du lịch mỗi quốc gia tạo thuận lợi cho các công ty du lịch tiếp cận các dịch vụ tài chính, như sáng kiến tín dụng nhỏ dành cho cộng đồng người nghèo, địa phương và bản địa ở những khu vực có tiềm năng du lịch sinh thái và các khu vực nông thôn.