Du lịch sinh thái, mũi nhọn mới trong ngành công nghiệp không khói, không chỉ tiếp tục hái ra tiền trong thời suy thoái mà còn được xem là “chìa khóa” giúp chống nghèo đói, thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Du lịch sinh thái giúp con người gần gũi và trân trọng giá trị của thiên nhiên, môi trường sinh thái
Ngày 3-1, Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới của LHQ (UNWTO) Taleb Rifai đã hoan nghênh nghị quyết “Thúc đẩy du lịch sinh thái nhằm xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường” của Đại hội đồng LHQ. Nghị quyết kêu gọi tất cả các nước thành viên áp dụng các chính sách đẩy mạnh du lịch sinh thái và nhấn mạnh tác động tích cực của loại hình du lịch này trong việc tăng thu nhập, tạo việc làm, giáo dục và góp phần vào cuộc chiến chống nghèo đói ở các quốc gia.
Theo Tổng Thư ký UNWTO Rifai, mặc dù tình hình kinh tế trên toàn cầu tiếp tục bất ổn, nhưng ngành du lịch quốc tế tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2012 với lượng khách đi du lịch trên thế giới lần đầu tiên đạt mức kỷ lục 1 tỷ người với doanh thu hơn 1.200 tỷ USD. Hiện nay thu nhập của ngành du lịch chiếm 9% GDP toàn cầu, cứ 12 việc làm có 1 việc làm của ngành du lịch và tới 8% toàn bộ xuất khẩu của các nước phát triển kém nhất (LDCs) trên thế giới phụ thuộc ngành du lịch.
Không chỉ tăng trưởng ổn định về số người và doanh thu, du lịch thế giới còn liên tục tìm tòi, phát triển nhiều loại hình du lịch để thu hút du khách. Nếu như trước đây người ta thường nói tới du lịch khám phá, ẩm thực, nghỉ dưỡng... thì ngày nay có thêm nhiều loại hình du lịch mới như du lịch mua sắm, công nghệ, chữa bệnh, mạo hiểm và không thể không kể tới du lịch sinh thái.
Tổng Thư ký UNWTO Rifai cho rằng du lịch sinh thái, trong đó có du lịch đến các vùng đất ướt, đang thu hút hàng triệu khách du lịch trên thế giới hàng năm. Theo UNWTO và Ban Thư ký Công ước về các vùng đất ướt (COP11), hơn 1/2 số khách du lịch và thu nhập du lịch này liên quan đến các vùng đất ướt trên toàn cầu.
Một nghiên cứu của (UNWTO và Ban Thư ký COP11 cũng cho thấy, du lịch bền vững, du lịch sinh thái có thể góp phần bảo tồn, tăng trưởng kinh tế, giảm đói nghèo và hỗ trợ văn hóa, ngược lại sự đa dạng và phong phú về sinh học lại giúp phát triển du lịch. Khách du lịch ngày càng có xu hướng chuyển sang các hình thức du lịch xanh và tới những địa chỉ du lịch di sản và hoang dã.
Trước tiềm năng to lớn của du lịch sinh thái, Đại hội đồng LHQ đề nghị ngành du lịch ở mỗi quốc gia cần có kế hoạch để đáp ứng nhu cầu thị trường và phát huy các lợi thế cạnh tranh của du lịch sinh thái địa phương. Cơ quan này khuyến khích các nước tăng cường đầu tư cho ngành du lịch sinh thái như: thành lập các công ty du lịch sinh thái vừa và nhỏ, đẩy mạnh hợp tác và tạo thuận lợi cho sáng kiến tín dụng vi mô dành cho cộng đồng người nghèo, địa phương và bản địa ở những khu vực có tiềm năng du lịch sinh thái và các khu vực nông thôn...
ANTĐ