Thúc đẩy hoạt động kinh tế - xã hội thân thiện với môi trường

Cập nhật: 18/01/2013
Ngày 17-1, Bộ TN-MT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị nhằm tập hợp ý kiến các bộ, ngành trung ương và các địa phương phía Bắc đóng góp cho dự thảo đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu: đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường”. Đề án này sẽ tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các ngành, các giới trong xã hội, các địa phương phía Nam và người dân trong cả nước.

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường của nước ta. Chỉ tính trong 15 năm trở lại đây, các loại thiên tai như: bão lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn 10.711 người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.

 

Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đề cập đến yêu cầu thay đổi nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể của người dân về ứng phó với biến đổi khí hậu, không để xảy ra tình trạng “ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường”. Các ý kiến nhấn mạnh việc áp dụng các công cụ kinh tế dựa trên cơ chế thị trường để điều tiết vĩ mô, khuyến khích thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội theo hướng thân thiện với môi trường, giảm thiểu chất thải và carbon thấp, đồng thời thúc đẩy khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Nhà nước cần có chế tài xử lý các trường hợp không thực hiện quy định của pháp luật; có chính sách khuyến khích tham gia bảo hiểm về thiên tai.

Nguồn: SGGP