Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân có ý thức bảo vệ vịnh Hạ Long, các cơ quan chức năng đang cố gắng hoàn thiện cơ chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn di sản.
Tròn 2 năm kể từ khi được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, vịnh Hạ Long đã có những bước chuyển mình rõ rệt, từng bước hiện thực hóa khát vọng “du lịch xanh”.
Vận động, tuyên truyền
Theo Ban Quản lý (BQL) vịnh Hạ Long, song hành với việc phát triển du lịch, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của vịnh luôn được tỉnh Quảng Ninh coi trọng. Theo đó, các cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản từng bước được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện.
Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động chuyên đề về vịnh Hạ Long, trong đó có nhiều giải pháp quyết liệt và tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nâng cao vị thế và sự hấp dẫn của vịnh Hạ Long.
Rõ nét nhất là dự án “Hỗ trợ xây dựng hệ thống tuần hoàn tài nguyên trên vịnh Hạ Long có sự tham gia của địa phương” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ thực hiện. Theo ông Nguyễn Tiến Tâm, Phó Phòng Quản lý Môi trường thuộc BQL vịnh Hạ Long, dự án trên được thực hiện từ đầu năm 2010 đến cuối năm 2012 với tổng kinh phí khoảng 350 triệu yen từ nguồn vốn ODA Nhật Bản.
Dự án nhằm tăng cường năng lực quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững ở khu vực Hạ Long. Hiện trên vịnh có 7 làng chài, lượng rác thải từ các làng chài khoảng hơn 10 tấn/ngày. Mỗi ngày, đều có những người dân chèo thuyền đi nhặt rác khắp các làng chài.
Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh trong vai trò 5 nhóm nòng cốt đã hướng dẫn người dân làng chài thay giẻ rửa chén bằng những mảnh lưới nhỏ sang sử dụng giẻ len, vừa tiết kiệm được nước lẫn chất tẩy rửa vừa giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường biển.
Việc hướng dẫn này trở nên gần gũi với bà con khi lồng ghép với chương trình “Ba sạch” (sạch nhà/thuyền, sạch bếp, sạch môi trường/biển) của hội và các đợt tuyên truyền, vận động đến từng hội viên nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vịnh.
Bên cạnh đó, các dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn tại khu vực vụng Ba Cửa vịnh Hạ Long; gắn chip điện tử theo dõi hành trình tàu đổ thải trên vịnh; ứng dụng và lắp đặt thử nghiệm thiết bị tách nhanh dầu - nước; đầu tư các trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất phục vụ công tác quan trắc chất lượng môi trường nước cũng đã đem đến một diện mạo mới cho cảnh quan môi trường vịnh Hạ Long.
Cần biện pháp mạnh
Vừa qua, tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên - Môi trường, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị sớm có nghị định riêng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị thắng cảnh vịnh Hạ Long, nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của BQL vịnh Hạ Long.
Theo đó, trong nhiều năm nay, dù tỉnh đã thành lập BQL vịnh nhưng trên thực tế, chức năng quản lý Nhà nước của ban này không có cơ sở pháp lý. Khi có các vi phạm trên vịnh Hạ Long, công tác quản lý Nhà nước không có đầu mối chủ trì, không rõ trách nhiệm đơn vị cụ thể.
Song song đó, tỉnh Quảng Ninh đang bắt tay xây dựng nghị quyết chuyên đề về việc tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long giai đoạn 2013-2015. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2013, 90% nguồn gây ô nhiễm môi trường vịnh Hạ Long được kiểm soát; giải quyết triệt để tình trạng đeo bám, bán hàng rong, ăn xin, cò mồi, ép giá đối với khách du lịch.
Đến hết tháng 6-2014, hoàn thành việc sắp xếp, di dời dân cư nhà bè sinh sống trên vịnh Hạ Long; 100% các nhà bè nổi và các công trình nổi được phép hoạt động trên vịnh Hạ Long phải sử dụng vật liệu bền vững, không gây ô nhiễm môi trường. Năm 2015, 100% nguồn gây ô nhiễm môi trường vịnh Hạ Long được kiểm soát và xử lý; hoàn thành việc quy hoạch hệ thống cảng, bến tàu du lịch…